ROALD DAHL
Matilda
Nội dung
1- Vị
độc giả
2- Ông
Wormwood, nhà buôn xe vĩ đại
3- Cái
nón và keo siêu dính
4- Con
ma
5- Môn
Đại số
6- Người
đàn ông có món tóc bạch kim
7- Cô
Honey
8- Bà
Trunchbull
9-
Quý vị phụ huynh
10-
Môn Ném búa
11- Bruce
Bogtrotter và món bánh kem
12- Lavender
13- Bài
kiểm tra hằng tuần
14- Phép
lạ thứ nhất
15- Phép
lạ thứ hai
16- Túp
lều của cô Honey
17- Chuyện
của cô Honey
18- Những
cái tên
19- Luyện
phép
20- Phép
lạ thứ ba
21- Tổ
ấm mới
VỊ ĐỘC GIẢ
Có điều này rất buồn cười về các bậc cha mẹ. Dù con họ có là vết phồng
rộp nhỏ xíu xấu xí nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra được, thì họ vẫn nghĩ các
cô cậu ấy là báu vật trời ban.
Vài phụ huynh còn quá đáng hơn. Họ trở nên mù lòa vì yêu đến độ cứ tự
thuyết phục rằng con cái mình mang đầy phẩm chất của thiên tài.
Ừ thì chuyện đó cũng chả có gì sai. Đó là kiểu của cái thế giới này mà.
Nhưng chỉ khi các vị ấy bắt đầu kể lể với ta
về sự sáng láng của đám hậu duệ đáng tởm của mình, thì chúng ta mới phải gào
lên, “Đem chậu ra mau! Bọn tôi sắp ọi tới nơi rồi!”
Giáo viên chịu đựng rất nhiều khi phải lắng nghe những thứ ba lăng
nhăng này từ các quý vị phụ huynh tự mãn, song họ thường có chính kiến khi bắt
tay vào viết báo cáo cuối kỳ. Nếu là giáo viên thì tôi sẽ bịa ra vài câu mỉa
mai thật chua cay dành tặng con cái mấy quý vị đắm đuối ấy. Tôi sẽ viết, “Con
trai ông bà, Maximillian, là một sự đại bại khủng khiếp. Tôi hi vọng ông bà có
công việc kinh doanh dạng gia đình nào đó để cậu nhà có thể làm khi cậu rời trường,
vì cậu ấy chắc chả tìm được nơi nào khác để đi cả.” Hoặc giả nếu hôm đó nổi hứng
thơ ca, tôi sẽ viết, “Thật là sự thật đáng tò mò khi bọn cào cào có cơ quan
thính giác nằm cạnh bụng. Con gái ông bà, Vanessa, thể theo những gì cô ấy học
được trong học kỳ này, thì chả có cơ quan thính giác nào cả.”
Tôi có thể tìm tòi sâu hơn với môn Lịch sự tự nhiên mà bảo rằng, “Bọn
ve sầu định kỳ phải mất sáu năm để sống như giòi bọ dưới lòng đất, và không đầy
sáu ngày để biến thành sinh vật tự do nơi ánh mặt trời và bầu không khí. Con
trai ông bà Wilfred đã trải qua sáu năm như giòi bọ dưới ngôi trường này và
chúng tôi vẫn đợi cậu ấy hóa thân thành nhộng.” Một cô nhỏ cực độc sẽ châm chích
để tôi phải phun ra những lời lẽ sau đây, “Fiona có vẻ băng giá của một tảng
băng trôi, nhưng không giống tảng băng ấy, cô bé chả có gì nổi trên mặt nước cả.”
Tôi nghĩ mình có thể khoái viết báo cáo cuối kỳ dành tặng những kẻ khó ưa trong
lớp mình. Nhưng thế là đủ. Chúng ta phải tiếp tục câu chuyện.
Thi thoảng ta sẽ gặp vài vị phụ huynh ở chiều hướng ngược lại, những
người chẳng quan tâm gì sất tới con cái họ, và những người này dĩ nhiên tệ hơn
rất nhiều so với mấy vị đắm đuối kia. Ông và bà Wormwood là những phụ huynh như
thế. Họ có một cậu con trai, tên là Michael, và một cô con gái, tên là Matilda,
và họ coi Matilda chẳng hơn gì nốt ghẻ. Nốt ghẻ là thứ bạn phải chịu đựng cho tới
khi bạn có thể cạy nó ra và phẩy nó đi. Ông và bà Wormwood cực kỳ trông đợi thời
điểm mà họ có thể cạy con gái bé nhỏ của mình ra và phẩy nó đi, sang nước láng
giềng hay thậm chí xa hơn.
Việc các quý vị phụ huynh đối xử với con cái bình thường của mình như thể chúng là nốt ghẻ hay vết sưng ở kẽ
ngón chân đã đủ tệ rồi, song sẽ còn tệ hơn khi đứa trẻ được nói tới là một đứa phi thường, và qua đó, ý tôi là, nhạy cảm
và sáng láng. Matilda có cả hai điều đó, nhưng trên hết, cô bé thật sáng láng.
Tâm trí cô lanh lẹ và cô học hỏi nhanh đến độ khả năng của cô hẳn sẽ hiện rõ mồn
một với quý vị phụ huynh khờ khạo nhất. Song ông và bà Wormwood đều quá ngu ngốc
và chú tâm tới đời sống bé bỏng ngớ ngẩn của mình tới nỗi họ chẳng nhận ra thứ
gì bất thường ở con gái mình. Nói thật, tôi e họ cũng chẳng nhận ra nếu cô
bé có đi cà nhắc về nhà.
Anh của Matilda, Michael, là một cậu bé hoàn toàn bình thường, nhưng cô
em, như tôi đã nói, là thứ gì đó khiến ta phải trầm trồ. Mới một tuổi rưỡi ngôn từ của cô đã chuẩn chỉnh
và cô bé biết nhiều từ ngang phần đông người lớn. Cha mẹ cô, thay vì tán thưởng,
lại gọi cô là con vẹt lắm mồm và cay nghiệt bảo cô rằng, các cô bé chỉ nên để kẻ
khác ngắm nhìn chớ đừng để người ta nghe thấy.
Tới tuổi lên ba, Matilda tự học
đọc bằng cách đọc các tờ báo và tạp chí vất vung vãi quanh nhà. Lên bốn, cô có thể đọc mau lẹ, trôi chảy, và
lẽ tự nhiên, cô thèm khát sách vở. Cuốn duy nhất tồn tại trong ngôi nhà được
khai sáng ấy là thứ gì đó thuộc về mẹ cô, mang tên Nấu ăn dễ ợt, và khi cô đọc xong nó và học thuộc tất tần tật các
công thức trong đó, thì cô quyết định mình muốn thứ gì đó hay ho hơn.
“Bố ơi,” cô bé nói, “Bố nghĩ bố có thể mua cho con một cuốn sách được
không?”
“Một cuốn sách hở?” ông ta hỏi. “Thế mày cần một cuốn sách nóng rãy lên
để làm gì?”
“Để đọc, bố ạ.”
“Trời, còn ti-vi thì sao? Nhà mình có cái ti-vi đáng yêu với màn hình
12 inch, và giờ mày đi đòi một cuốn sách! Mày hỏng rồi, con ạ.”
Hầu như chiều nào Matilda cũng ở nhà
một mình. Anh cô (lớn hơn cô 5 tuổi) đi học. Cha cô đi làm, còn mẹ cô thì vào
thị trấn cách nhà 8 dặm để chơi lô-tô. Bà Wormwood rất mê lô-tô và chơi trò này
năm ngày mỗi tuần. Vào chiều ngày mà bố cô từ chối mua cho cô một cuốn sách,
Matilda quyết định tự mình ra thư viện công cộng của làng. Tới nơi, cô giới thiệu
bản thân với vị thủ thư, Bà Phelps. Cô hỏi xem liệu mình có thể ngồi một lúc và
đọc một cuốn sách không. Bà Phelps, tuy hơi sửng sốt trước một cô bé nhỏ xíu tới
mà không có cha mẹ đi cùng, vẫn mở lời chào đón.
“Làm ơn cho cháu biết sách trẻ em để
ở đâu ạ?” Matilda hỏi.
“Chúng ở đằng kia, chỗ mấy cái kệ
thâm thấp ấy.” Bà Phelps trả lời. “Cháu có muốn bác giúp cháu lấy một cuốn thật
đẹp, có nhiều tranh không?”
“Không, cảm ơn bác.” Matilda nói.
“Cháu chắc mình có thể tự tìm được.”
Từ đó trở đi, mỗi chiều, ngay khi mẹ
rời nhà đi chơi lô-tô, Matilda lại tà tà cuốc bộ xuống thư viện. Cô đi mất 10
phút và làm thế, cô có hai giờ sung sướng ngồi yên một mình ở một góc ấm cúng,
ngốn ngấu hết cuốn này tới cuốn khác. Khi đọc hết sạch sách dành cho trẻ em, cô
bắt đầu lượn lờ tìm kiếm thứ gì đó khác.
Bà Phelps, người mê mẩn quan sát cô
suốt vài tuần qua, giờ bèn rời bàn làm việc của mình và tới bên cô bé. “Bác có
thể giúp gì cháu không, Matilda?” bà hỏi.
“Cháu đang tự hỏi mình sẽ đọc gì tiếp
theo,” Matilda trả lời. “Cháu đọc hết sách dành cho trẻ em rồi ạ.”
“Ý cháu là xem hết tranh trong sách
chứ gì?”
“Vâng, và đọc cả chữ nữa.”
Bà Phelps cúi nhìn Matilda từ chiều
cao to lớn của mình còn Matilda ngước mắt lên nhìn bà.
“Cháu nghĩ vài cuốn dở lắm,” Matilda
nói, “song mấy cuốn khác cũng được. Cháu thích Khu vườn bí mật nhất. Cuốn đó đầy chuyện bí ẩn. Bí ẩn của căn phòng
nằm sau cánh cửa đóng kín, còn bí ẩn của khu vườn nằm sau bức tường to.”
Bà Phelps kinh ngạc. “Chính xác cháu
bao nhiêu tuổi rồi, Matilda?” bà hỏi.
“Bốn tuổi ba tháng ạ,” Matilda trả lời.
Bà Phelps còn kinh ngạc hơn, song
tâm thức bảo bà không biểu hiện nó ra. “Thế cháu thích đọc tiếp sách loại nào
nào?” bà hỏi.
Matilda đáp, “Cháu thích một cuốn thật
hay mà người lớn đọc ấy. Một cuốn nổi tiếng. Cháu không biết cái tựa nào.”
Bà Phelps nhìn dọc theo kệ sách, thật
từ tốn. Bà không biết nên lấy cuốn nào. Làm thế nào, bà tự nhủ, mà người ta chọn
được một cuốn nổi tiếng dành cho người lớn cho một cô bé bốn tuổi nhỉ? Thoạt đầu
bà nghĩ mình sẽ lựa ra một cuốn truyện tình cảm dành cho thanh thiếu niên, loại
viết cho các cô cậu học trò độ tuổi 15, nhưng vì lý do nào đấy, bà thấy mình tự
bản năng đã bỏ qua kệ sách đó.
“Thử cái này đi cháu,” rốt cuộc bà cất
lời. “Nó rất nổi tiếng, rất hay. Nếu nó dài quá, hãy cho bác biết, rồi bác sẽ
tìm thứ gì đó ngắn và dễ hơn.”
“Những
kỳ vọng lớn,” Matilda đọc tựa sách lên, “của Charles Dickens. Cháu thích thử
nó ạ.”
Mình điên mất rồi, Bà Phelps tự nhủ,
song lại nói với Matilda, “Dĩ nhiên cháu có thể thử xem nó.”
Thế là suốt mấy buổi chiều sau đó,
Bà Phelps hầu như không thể rời mắt khỏi cô bé nhỏ tí ngồi hằng giờ trên chiếc
ghế bành to tướng nằm tận cuối phòng đọc, với cuốn sách đặt trong lòng. Cô để
nó nằm nơi đùi, vì nó quá nặng để có thể cầm lên, và thế là cô phải nghiêng người
tới trước để đọc. Thật là một cảnh tượng kỳ lạ, cái cảnh một người tóc đen nhỏ
xíu ngồi đó, chân gần chạm sàn nhà, đắm mình trong cuộc phiêu lưu tuyệt diệu của
Pip và Bà cô già Havisham, căn nhà rối tinh rối mù của bà ta và phép thuật thần
kỳ mà Dickens, nhà kể chuyện vĩ đại, đã dệt lên bằng ngôn từ của ông. Cử động
duy nhất của vị độc giả này là thi thoảng nhấc tay lên lật sách, và Bà Phelps
luôn thấy buồn khi phải băng qua phòng đọc và nói, “Năm giờ kém mười rồi,
Matilda ạ.”
Suốt tuần đầu Matilda tới thư viện,
Bà Phelps đã hỏi cô, “Thế mẹ cháu ngày nào cũng dắt cháu tới rồi đón cháu về
à?”
“Mẹ cháu chiều nào cũng xuống
Aylesbury chơi lô-tô ạ,” Matilda đáp lại. “Bà ấy không biết cháu ở đây đâu.”
“Nhưng thế thì không đúng rồi,” Bà
Phelps bảo. “Bác nghĩ cháu nên hỏi xin phép mẹ.”
“Tốt hơn đừng làm thế,” Matilda đáp.
“Bà ấy không khuyến khích việc đọc sách. Bố cháu cũng thế ạ.”
“Vậy họ mong cháu làm gì mỗi chiều
trong căn nhà trống trơn chứ?”
“Thơ thẩn trong nhà và xem ti-vi ạ.”
“Bác hiểu rồi.”
“Mẹ không thực sự quan tâm xem cháu
làm gì,” Matilda nói, giọng đượm buồn.
Bà Phelps lo lắng về sự an toàn của
cô bé khi cô đi bộ dọc khu Phố Cao khá đông đúc của làng và băng qua đường, song
bà quyết định không can thiệp.
Trong vòng một tuần, Matilda đã đọc
xong cuốn Những kỳ vọng lớn, ấn bản gồm
411 trang. “Cháu thích nó lắm,” cô nói với Bà Phelps. “Ông Dickens còn viết cuốn
nào khác không ạ?”
“Nhiều lắm,” Bà Phelps đáp lại bằng
sự sửng sốt. “Bác chọn cho cháu cuốn khác nhé?”
Trong vòng sáu tuần tiếp theo, dưới
con mắt thương cảm và ân cần của Bà Phelps, Matilda đã đọc những cuốn sau:
Nicholas
Nickleby của Charles Dickens
Oliver
Twist của Charles Dickens
Jane
Eyre của Charlotte Brontë
Kiêu
hãnh và định kiến của Jane Austen
Cô
gái dòng họ D’Urberville của Thomas Hardy
Về
với Đất của Mary Webb
Kim
của Rudyard Kipling
Người
tàng hình của H. G. Wells
Ông
già và biển cả của Ernest Hemingway
Âm
thanh và cuồng nộ của William Faulkner
Sục sôi cơn giận của John Steinbeck
Đồng
hành hữu hảo của J. B. Priestley
Đá
Brighton của Graham Greene
Trại
súc vật của George Orwell
Thật là một danh sách khủng khiếp và
tới giờ phút này, lòng Bà Phelps tràn ngập sự thích thú và kinh ngạc, nhưng việc
bà hoàn toàn không để chuyện đó cuốn đi là một điều hay. Người khác tận mắt chứng
kiến thành tựu của cô bé này ắt hẳn đã làm to chuyện và loan tin khắp chốn cùng
quê rồi, nhưng Bà Phelps không thế. Bà là người chăm chú vào việc của mình và
dù phát hiện chuyện này từ lâu, bà hiếm khi can thiệp vào việc con cái người
khác.
“Ông Hemingway nói nhiều điều cháu
không hiểu,” Matilda bảo bà. “Nhất là về
đàn ông và đàn bà. Nhưng cháu vẫn thích cuốn sách. Cái cách ông ấy kể khiến
cháu thấy mình như thể đang ở đấy, thấy việc đó đang xảy ra.”
“Một nhà văn giỏi luôn khiến cháu cảm
thấy thế,” Bà Phelps đáp. “Và đừng lo về mấy thứ cháu không hiểu. Ngồi xuống và
để từ ngữ chảy quanh cháu, như âm nhạc vậy.”
“Cháu sẽ làm thế.”
“Cháu có biết là,” Bà Phelps hỏi,
“những thư viện như vầy cho phép cháu mượn sách về nhà không?”
“Cháu không biết,” Matilda đáp. “Vậy
cháu mượn được à?”
“Dĩ nhiên rồi,” Bà Phelps đáp. “Khi
cháu chọn được cuốn cháu thích, mang nó lại đây để bác ghi nó lại, rồi nó sẽ
thuộc về cháu trong hai tuần. Cháu có thể mượn hơn 1 cuốn, nếu cháu thích.”
Từ đó trở đi, Matilda chỉ tới thư viện
một lần mỗi tuần để lấy sách mới và trả lại sách cũ. Phòng ngủ nhỏ bé của cô giờ
trở thành phòng đọc và ở đó cô bé ngồi đọc hầu hết các buổi chiều, thường với một
ly sô-cô-la nóng bên cạnh. Cô bé chưa đủ cao để với tới mọi thứ quanh bếp,
nhưng cô lấy một cái hộp nhỏ để ở phòng ngoài, đem vào bếp và đứng lên nó để lấy
mọi thứ cô cần. Đa phần là để pha sô-cô-la nóng, bao gồm việc làm ấm sữa
trong một cái nồi con trên bếp trước khi trộn thành sô-cô-la. Thỉnh thoảng cô
cũng pha Bovril hay Ovaltine. Thật dễ chịu khi mang một thứ nước nóng ấm
lên phòng, để nó kề bên trong lúc ngồi đọc sách trong căn phòng tĩnh lặng, trong
ngôi nhà trống trơn vào những buổi chiều. Sách đem cô tới những thế giới mới mẻ
và cho cô thấy những con người tuyệt diệu có cuộc đời kỳ thú. Cô lên tàu giong
buồm ra khơi vào thời xa xưa với Joseph Conrad. Cô tới Mỹ Châu với Ernest
Hemingway, tới Ấn Độ với Rudyard Kipling. Cô ngao du khắp thế giới khi vẫn ngồi
trong căn phòng nhỏ của mình ở một làng nhỏ bé nước Anh.