Tuesday, July 30, 2013

Bác thợ may Thành phố Gloucester (Beatrix Potter)






BÁC THỢ MAY THÀNH PHỐ GLOUCESTER

“Tôi sẽ trả tiền gương lược;
mua vui cho hai tá gã thợ may”
        Richard III


Freda thân mến,
Vì cháu thích xem truyện cổ tích, mà lại đương ốm, nên cô viết chuyện này dành tặng cháu – một câu chuyện mới mà trước giờ chưa ai từng đọc.
Và điều kỳ quặc nhất về câu chuyện này là – cô nghe nó ở Gloucester và nó có thật đấy – ít ra là về bác thợ may, chiếc áo gi-lê, và câu nói “Hết sạch chỉ cuốn rồi!”
Giáng sinh, 1901


Vào thời người ta còn dùng gươm đao, tóc giả, và bận những chiếc áo khoác dài với vạt áo được thêu hoa – thời mà các quý ông còn mặc gi-lê bằng lụa sọc và vải bóng có dải buộc màu vàng và tay áo diềm đăng ten – thì có một bác thợ may sống ở thành phố Gloucester.

Bác ngồi xếp bằng trên bàn, bên cửa sổ một tiệm may nhỏ ở phố Westgate, suốt từ sáng đến tối. Ngày nào cũng vậy, khi trời còn sáng, là bác thợ may lại cắt cắt vá vá, thêm thêm thắt thắt những mảnh vải xa-tanh, món tóc phồng, dây đàn luýt; những thứ có tên gọi kỳ lạ, và rất đắt đỏ vào thời của bác.

Nhưng dù bác làm ra bao nhiêu là đồ đẹp cho hàng xóm, thì bác vẫn nghèo, rất nghèo – một ông già bé nhỏ đeo kính, gương mặt nhăn nheo, ngón tay gầy guộc, và mặc một bộ quần áo đã tuột cả chỉ.

Bác cắt vải thật tiết kiệm, theo kiểu quần áo thêu; chúng có những đoạn rất nhỏ và những mẩu thừa nằm đây đó trên bàn – “Chiều ngang gần bằng không, trừ phi dùng làm áo gi-lê cho chuột” bác nói.

Một ngày rét buốt cận Giáng sinh nọ, bác thợ may quyết định may một chiếc áo khoác ngoài bằng lụa nhung kẻ màu hồng đào có thêu hoa hồng và hoa bướm, cùng một chiếc gi-lê mặc trong màu kem có viền những sợi len xe màu lam và sa mịn, dành cho ngài Thị trưởng thành phố Gloucester.

Bác thợ may làm việc mải miết, vừa làm vừa độc thoại. Bác đo vải, xoay tới xoay lui, và dùng kéo cắt vải thành những mảnh khác nhau; chẳng mấy chốc trên bàn vương vãi đầy những mảnh vải màu hồng đào.

“Không dư tí nào, cắt theo hình chữ thập; không dư tí nào, tính theo chiều ngang; khăn choàng cho chuột và ruy-băng cho chúng! Cho bọn chúng, cho bọn chúng!” bác thợ may thành phố Gloucester lẩm bẩm.

Khi bông tuyết rơi trên những ô cửa kính lợp chì nhỏ xíu, khiến ánh sáng vụt tắt, thì bác thợ may cũng làm xong công việc trong ngày của mình; tất cả lụa là xa-tanh đã được cắt xong và để ở trên bàn.

Có 12 mảnh dành để may áo khoác và 4 mảnh dành để may áo gi-lê; cũng có những mảnh dành để may nắp túi, cổ tay, và cả khuy áo nữa. Phần đường diềm áo thì có vải bóng màu vàng; còn phần khuyết áo gi-lê thì có chỉ cuốn màu hồng đào. Và mọi thứ đều sẵn sàng để được ráp nối vào buổi sáng hôm sau, tất cả đều đã được đong đo đầy đủ - trừ việc còn thiếu duy nhất một cuộn chỉ cuốn màu hồng đào.

Bác thợ đi ra khỏi tiệm khi trời sập tối, vì bác không ngủ đêm ở đó; bác đóng cửa sổ và khóa cửa cái, rồi đem chìa khóa theo. Không ai sống ở tiệm vào buổi tối, trừ lũ chuột màu nâu bé nhỏ, mà chúng chạy ra chạy vào đâu có cần chìa khóa!

Vì sau tấm ốp tường các căn nhà cũ kỹ ở Gloucester, có hằng hà sa số những cầu thang bé nhỏ và cửa sập bí mật của bọn chuột; vậy nên chúng đi từ nhà nọ sang nhà kia theo những lối đi dài và hẹp; chúng có thể chạy khắp thành phố mà không cần phải ló mặt ra đường.

Nhưng bác thợ may thì phải ra khỏi cửa tiệm, lê bước về nhà trong trời đầy tuyết. Bác sống rất gần trường Court, cạnh cổng trường Green; và đó không phải là một ngôi nhà to, vì nghèo quá nên bác thợ chỉ thuê được một căn bếp mà thôi. Bác sống một mình cùng với chú mèo tên là Simpkin.

Cả ngày khi bác thợ may ra ngoài làm việc, thì mèo Simpkin tự trông coi nhà cửa; và chú rất thích chuột, dù chú không cho chúng tí vải nào để may quần áo!

“Meo meo?” chú mèo hỏi khi nghe tiếng bác thợ may mở cửa. “Meo meo?”

Bác thợ đáp – “Simpkin à, chúng ta sẽ giàu to, nhưng giờ tớ mệt quá. Cậu hãy cầm số tiền còm này (là 4 đồng xu cuối cùng của chúng ta) và mang theo chiếc nồi sứ nhỏ; mua một đồng bánh mì, một đồng sữa, và một đồng xúc xích. À mà Simpkin này, đồng cuối cùng hãy mua cho tớ ít chỉ màu hồng đào nhé. Đừng làm mất đồng xu đó, nếu không tớ sẽ hỏng việc và mắc kẹt luôn đấy, vì tớ hết chỉ cuốn rồi!”

Mèo Simpkin hỏi lại lần nữa, “Meo meo?” và cầm lấy 4 đồng xu cùng cái nồi, đi ra ngoài trong tiết trời tối tăm.

Bác thợ may rất mệt và bắt đầu muốn ốm. Bác ngồi xuống cạnh lò sưởi và lẩm bẩm một mình về chiếc áo khoác tuyệt vời. “Mình sẽ giàu to, để giũ sạch mọi xui rủi bấy lâu. Ông thị trưởng thành phố sẽ cưới vợ vào sáng Giáng sinh, và ông ấy đã đặt may một chiếc áo khoác cùng một chiếc gi-lê thêu, có viền vải bóng màu vàng, mà vải bóng thì đủ rồi; chả còn dư mẩu nào để may khăn choàng cho lũ chuột cả…”

Bác bắt đầu nói, nhưng bỗng dưng, bác bị gián đoạn bởi một loạt những tiếng động nho nhỏ vang lên từ phía tủ chén cuối bếp – rột rột rẹt rẹt!

“Giờ thì cái gì nữa đây?” bác thợ may thành phố Gloucester tự hỏi, nhỏm dậy khỏi chiếc ghế đang ngồi. Tủ chén chất đầy bát sành, nồi sứ, đĩa tráng men xanh, cốc chén uống trà. Bác thợ băng qua bếp, đứng yên cạnh tủ, nghe ngóng rồi xem xét bằng đôi mục kỉnh của mình. Từ dưới một chiếc tách, những tiếng động nho nhỏ buồn cười lại vang lên – rột rột rẹt rẹt!

“Thật là kỳ lạ,” bác thợ may nói, và nhấc chiếc tách đang bị úp lên.

Một cô chuột nhắt còn sống nhảy ra, cúi đầu chào bác thợ! Rồi cô nhảy xuống tủ chén, biến mất sau tấm ván ốp tường.

Bác thợ may ngồi xuống cạnh đống lửa, xoa xoa đôi bàn tay lạnh giá tội nghiệp của mình, và lẩm bẩm – “Chiếc gi-lê được cắt từ vải xa-tanh hồng, thêu từng mũi trên khung với những nụ hồng trên nền tơ sồi. Liệu mình có khôn ngoan khi giao 4 đồng xu cuối cùng cho Simpkin không nhỉ? Hai mươi mốt cái khuyết được khâu bằng chỉ màu hồng đào!”

Nhưng một lần nữa, từ phía tủ chén lại vang lên những tiếng động nho nhỏ - rột rột rẹt rẹt!

“Thật kỳ cục hết sức!” bác thợ may thành phố Gloucester nói, và đi ra lật thêm một chiếc tách nữa, cũng đang bị úp xuống.

Một chàng chuột bé nhỏ nhảy ra, và cũng khoát tay cúi đầu chào bác thợ!

Và rồi từ khắp bốn phía tủ vọng lên một dàn hợp xướng những tiếng rột rột rẹt rẹt nho nhỏ, đồng thanh cùng lúc, và tiếng nọ đáp lại tiếng kia, y hệt một đàn mọt cọt kẹt trong cánh cửa chớp mục ruỗng – rột rột rẹt rẹt!

Rồi từ dưới tách trà, bát chén và tô thố, bước ra các cô chú chuột khác, lần lượt nhảy khỏi tủ chén và biến mất sau tấm ván ốp tường.

Bác thợ may ngồi xuống, thật gần ngọn lửa, cất giọng rên rỉ - “Hai mươi mốt cái khuyết áo được khâu bằng chỉ màu hồng đào! Tất cả phải xong trước trưa ngày thứ Bảy, mà hôm nay là tối thứ Ba. Liệu có đúng không khi mình thả những chú chuột này ra, vốn rõ ràng là tài sản của Simpkin? Than ôi, mình không xong rồi, vì mình không còn chỉ cuốn nữa!”

Các cô chú chuột bé nhỏ lại xuất hiện, lắng nghe lời bác thợ may; chúng để ý đến kiểu cách của chiếc áo khoác tuyệt vời. Chúng thì thầm với nhau về đường viền vải bóng, và về những chiếc khăn choàng nhỏ xíu dành cho chuột.

Rồi ngay lập tức chúng chạy xuống lối đi phía sau tấm ván ốp tường, chin chít gọi bạn bè, trên đường từ nhà nọ sang nhà kia; và không một con chuột nào còn ở lại trong căn bếp của bác thợ, khi chú mèo Simpkin trở về với chiếc nồi to đầy sữa!

Simpkin mở cửa lao vào nhà, cất giọng giận dữ, “Grừ grừ!” y hệt một chú mèo đang phật ý: vì chú ghét tuyết, mà tuyết lại đang đọng đầy trên vành tai, cổ áo và sau gáy chú. Chú đặt bánh mì, xúc xích lên tủ chén, và khịt khịt mũi.

“Simpkin, chỉ của tớ đâu?” bác thợ may cất giọng hỏi.

Nhưng chú mèo còn bận đặt nồi sữa lên kệ tủ, và ngó nghiêng đầy nghi ngờ mấy cái tách uống trà. Chú muốn bữa tối của mình với một con chuột béo tròn!

“Simpkin,” bác thợ may lại hỏi, “chỉ của tớ đâu?”

Nhưng Simpkin đã lén giấu cuộn chỉ nhỏ vào trong một cái ấm trà, rồi phun phì phì và gừ gừ với bác thợ may; nếu có thể nói, hẳn chú ta sẽ thốt lên: “Thế chuột của tôi đâu?”

“Than ôi, mình không xong rồi!” bác thợ may thành phố Gloucester kêu lên, buồn bã đi vào giường.

Suốt đêm hôm đấy, Simpkin lùng sục khắp gian bếp, nhìn vào chạn bát và dưới tấm ván ốp tường, cả trong cái ấm trà mà chú ta đã giấu cuộn chỉ vào đó; nhưng chú chẳng tìm ra con chuột nào!

Khi bác thợ may lầm bầm nói trong giấc ngủ, thì Simpkin kêu lên “Meo meo grừ grừ” và tạo ra những tiếng động dễ sợ mà loài mèo thường làm vào ban đêm.

Vì trở bệnh và lên cơn sốt, bác thợ già nghèo khổ lăn qua lăn lại trên giường. Trong giấc mơ, bác vẫn lẩm bẩm, “Hết chỉ cuốn rồi! Hết chỉ cuốn rồi!”

Cả ngày hôm đó bác ốm, và ngày hôm sau, hôm sau nữa cũng vậy; còn chiếc áo khoác màu hồng đào thì sao? Trong tiệm may trên phố Westgate, những mảnh lụa xa-tanh được cắt xong nằm la liệt trên bàn cùng hai mươi mốt cái khuyết áo, ai sẽ đến để khâu vá chúng, khi mà cửa sổ bị chặn, cửa cái bị khóa?

Nhưng cái đó không ngăn được những chú chuột nhắt màu nâu; chúng chạy ra chạy vào tất cả các ngôi nhà cũ kỹ ở Gloucester mà không cần chìa khóa!

Trong khi đó ở bên ngoài, dân chúng đang chậm chạp đạp tuyết để đến chợ mua gà tây, ngỗng, và nướng bánh Giáng sinh; nhưng sẽ chẳng có bữa tối Giáng sinh nào dành cho chú mèo Simpkin và bác thợ may già.

Bác thợ may ốm, nằm liệt giường suốt ba ngày ba đêm. Và rồi đêm trước Giáng sinh đã đến, trời đã rất khuya. Mặt trăng lên cao, neo trên các mái nhà và ống khói, nhìn xuống lối đi vào trường Court. Cửa sổ tối om, và không có âm thanh nào vọng ra từ những ngôi nhà phía dưới; cả thành phố Gloucester đã chìm sâu vào giấc ngủ dưới trời mưa tuyết.

Và dù Simpkin vẫn còn muốn lũ chuột của mình, chú bắt đầu kêu meo meo khi đứng cạnh chiếc giường của ông chủ.

Nhưng vì đây là truyện cổ tích, cho nên tất thảy quái vật đều biết nói tiếng người, ngay trong đêm trước Giáng Sinh (dù rất ít người có thể nghe thấy chúng, hoặc biết chúng nói gì).

Khi chuông nhà thờ đổ 12 tiếng, có một lời đáp lại, nghe như tiếng vọng của những chiếc chuông. Simpkin nghe thấy lời đáp đó, nên chú bước ra khỏi nhà bác thợ may, đi lang thang trong tuyết.

Từ trên tất cả các mái ngói và đầu hồi của những ngôi nhà gỗ cũ kỹ ở Gloucester vọng ra cả ngàn tiếng ca, hát những giai điệu Giáng sinh cổ - tất cả các bài mà tôi từng nghe, và vài bài mà tôi không biết, ngân lên như tiếng chuông Whittington.

Tiếng các chú gà trống cất lên trước nhất và to nhất: “Bà chủ ơi, dậy nướng bánh thôi!”

“Ôi tuyệt thật tuyệt thật!” chú mèo Simpkin thở dài.

Rồi trong một căn gác xép, có ánh đèn, âm thanh nhảy múa, lũ mèo từ đó túa ra đường. “Ê, trò bịp bợm, mèo và mấy thứ vớ vẩn! Tất cả mèo ở Gloucester này, trừ mình ra,” Simpkin nói.

Dưới mái hiên gỗ, mấy anh sáo đá và chim sẻ hát về những chiếc bánh Giáng sinh; trên tháp nhà thờ, mấy gã quạ xám kêu quang quác; và dù lúc đó mới nửa đêm, mấy chú chim hét và chim cổ đỏ đã rộn ràng cất tiếng; không khí tràn ngập những giai điệu líu ríu nho nhỏ.

Song tất cả chỉ càng khiến chú mèo Simpkin đói bụng tội nghiệp bực tức thêm!

Cụ thể là chú bực bội với vài giọng léo nhéo nho nhỏ phát ra từ phía dưới hàng rào. Tôi đồ rằng đó là giọng của mấy con dơi, vì chúng thường có giọng rất nhỏ, đặc biệt trong trời khuya băng giá, khi chúng nói trong giấc ngủ, y hệt bác thợ may thành phố Gloucester.

Chúng nói cái gì đó nghe rất bí ẩn, như thể là: “O o là con nhặng xanh; e e là lũ ong bầu; vừa o vừa e chúng kêu lên, và chúng tôi cũng kêu như thế!” Simpkin bỏ đi, lúc lắc đôi tai như thể chú đội một chiếc mũ có con ong chui vào.

Từ cửa tiệm của bác thợ may trên phố Westgate phát ra một quầng sáng; và khi rón rén đến gần để nhìn qua cửa sổ, thì chú mèo thấy trong đó thắp đầy những nến. Rồi vương vãi nào kéo nào chỉ; và giọng các cô chú chuột nhắt vang lên thật to và vui vẻ:
 
“Hăm bốn bác thợ may
Rủ nhau đi bắt ốc,
Bác thợ may giỏi nhất
Chả tóm được con nào,
Thế là cô sên nọ
Thò râu ra ngoài vỏ,
Hệt một con bò nhỏ,
Chạy, chạy, chạy, chạy, chạy!
Bọn thợ co giò chạy,
Vì sợ cô sên nọ, sẽ tóm cổ các bác!”

Rồi không ngừng nghỉ, lũ chuột lại cất tiếng:

“Rây rây rây rây lúa,
Nghiền nghiền nghiền nghiền bột,
Cho thêm hạt dẻ vào,
Để trong lò một tiếng”

“Meo meo!” mèo Simpkin cắt ngang, và cào cào cánh cửa. Nhưng chìa khóa đang để dưới gối ở nhà bác thợ may, nên chú chẳng thể vào được.

Lũ chuột nhắt cười vang, và tiếp tục một giai điệu khác:

“Ba chú chuột đang ngồi xe sợi,
Một cô mèo đi qua, nhòm vào.
Làm gì thế, bạn nhỏ của tôi?
May áo, chúng tôi đang may áo.
Cho vào đi, tôi cắn chỉ cho?
Ồ không đâu không đời nào đâu,
Cô vào thì toi đầu chúng tôi mất!”

“Meo meo!” mèo Simpkin gào lên. “Ê trò bịp bợm gì thế?” lũ chuột nhắt đáp lại.

“Này đồ quỷ gian xảo, này cục cưng xinh xẻo,
Thương gia thành Luân Đôn đang ăn với chả bận
Những chiếc áo có cổ, thêu chỉ đỏ chỉ vàng,
Và cứ thế họ đi, vừa đi vừa ca hát!”

Chúng vừa hát vừa gõ gõ cái đê khâu để giữ nhịp, nhưng chả bài nào làm Simpkin vui. Chú vừa kêu vừa ngửi ngửi cánh cửa hiệu may.

“Và rồi tôi mua,
Một cái nồi con, một cái niêu con,
Một cái bát nhỏ, một cái chén nhỏ,
Tất cả từng đó, chỉ mất một đồng –

mà lại còn để, ở trên tủ chén!” bọn chuột thô lỗ thêm vào.

“Meo meo, gào gào!” chú mèo nổi đóa nơi bệ cửa sổ; trong khi lũ chuột bên trong nhảy nhót, rồi đồng loạt hét to bằng chất giọng líu ríu nho nhỏ của chúng: “Hết chỉ cuốn rồi, hết chỉ cuốn rồi!” Rồi chúng đóng sập thanh chớp cửa sổ, khỏi cho chú mèo nhìn vào.

Nhưng qua nấc khe cửa chớp, Simpkin vẫn nghe tiếng đê khâu lách cách và giọng chuột nhắt hát vang, “Hết chỉ cuốn rồi, hết chỉ cuốn rồi!”

Simpkin rời khỏi tiệm may và đi về nhà, vừa đi vừa nghĩ. Chú thấy bác thợ già khốn khổ đã hết sốt, đang nằm ngủ yên trên giường.

Mèo Simpkin liền rón rén đi về phía tủ chén, lấy cuộn chỉ nhỏ ra khỏi ấm trà. Chú cảm thấy xấu hổ về sự xấu xa của mình, khi so sánh bản thân với lũ chuột nhắt tốt bụng!

Khi bác thợ may thức dậy vào buổi sáng, thứ đầu tiên bác nhìn thấy trên tấm chăn chiên là cuộn chỉ màu hồng đào, và đứng bên cạnh giường là chú mèo Simpkin đầy vẻ hối lỗi!

“Than ôi, tớ dính vào mớ bòng bong rồi,” bác thợ may thành phố Gloucester thốt lên, “nhưng giờ tớ đã có chỉ cuốn!”

Mặt trời chiếu lên tuyết khi bác thợ thức dậy, thay quần áo và đi ra phố, với chú mèo Simpkin chạy phía trước. Bọn sáo đá huýt gió trên các cụm ống khói, còn lũ chim hét và chim cổ đỏ thì ca hát – nhưng chúng hát bằng thứ âm thanh nho nhỏ của chúng, chứ không phải thứ ngôn từ chúng đã hát hồi đêm.

“Than ôi,” bác thợ may nói, “mình có cuộn chỉ, nhưng chả còn chút sức lực nào để khâu quá một cái khuyết áo; mà giờ đã là sáng Giáng sinh rồi! Ông thị trưởng thảnh phố sẽ cưới vợ vào buổi trưa. Đâu rồi chiếc áo khoác màu hồng đào của ông ấy?”

Bác thợ mở cửa tiệm may nhỏ xíu trên phố Westgate, và Simpkin chạy vào, hệt như chú đang mong đợi một điều gì đó.

Nhưng chả có ai cả! Ngay cả một chú chuột nhắt màu nâu!

Chiếc bàn đã được quét quáy sạch sẽ; những mẩu chỉ và vải thừa cũng đã được thu dọn, không rơi vãi chút gì trên nền nhà.

Và kia, trên chiếc bàn – ôi trời đất ơi, bác thợ may kêu lên – nơi bác để những mảnh lụa xa-tanh đã cắt xong, là chiếc áo khoác và chiếc gi-lê thêu đẹp nhất mà một thị trưởng thành phố Gloucester từng có để mặc.

Có những đóa hồng và hoa bướm hiện diện bên ngoài chiếc áo khoác; còn hoa anh túc và hoa ngô thì lấp ló trên chiếc áo gi-lê.

Mọi thứ đã xong trừ lỗ khuyết màu hồng đào duy nhất, nơi có đính một mảnh giấy với hàng chữ bé tin hin, “Hết chỉ cuốn rồi!”

Và từ đó vận may của bác thợ bắt đầu đến; bác trở nên thật to khỏe, thật giàu có. Bác may phần lớn số áo gi-lê đẹp nhất cho tất cả các thương gia giàu có ở thành phố Gloucester, và tất cả các quý ông trong cả nước Anh mặc.

Chưa ai từng nhìn thấy những đường diềm, gấu áo và vạt áo thêu hoa đẹp như thế! Nhưng khuyết áo mới là thành tựu lớn nhất của bác thợ. Những đường may tạo khuyết rất chặt, chặt đến độ tôi tự hỏi, không hiểu một ông già đeo kính, với những ngón tay gầy guộc nhăn nheo, và một cái đê khâu đã tạo ra chúng như thế nào?

Đường may tạo khuyết rất nhỏ, nhỏ đến độ như thể chúng đã được các chú chuột nhắt tạo ra!

Sunday, July 28, 2013

Beatrix Potter

Beatrix Potter - Nữ họa sĩ đồng quê



Beatrix Potter (28/07/1866 – 22/12/1943) là một tác gia, họa sĩ, nhà khoa học tự nhiên và hoạt động bảo tồn Anh. Bà nổi tiếng với loạt truyện tranh dành cho trẻ em, trong đó khung cảnh và đời sống đồng quê nước Anh được mô tả sống động và tinh tế.

Potter sinh ra trong một gia đình khá giả theo phái Nhất thể giáo. Bà và cậu em Walter Bertram (1872-1918) có rất ít bạn bè ngoài gia đình. Cha mẹ bà có thiên hướng làm nghệ thuật và thích cuộc sống nông thôn. Lúc nhỏ, Potter nuôi rất nhiều thú cưng và bà quan sát, ngắm nhìn chúng mãi không chán. Những dịp được đi nghỉ hè ở Vùng Hồ, ở Scotland, cách xa Luân Đôn hoa lệ đã khiến tình yêu với thế giới tự nhiên nơi bà nảy nở, và đó cũng là chủ đề cho các bức họa thời kỳ đầu của bà.

Potter học ở nhà với gia sư cho tới khi được 18 tuổi. Bà học rộng về ngôn ngữ, văn chương, khoa học, lịch sử và học rất chăm chỉ. Tài năng hội họa của bà bộc lộ từ sớm. Bà rất thích các bài học về nghệ thuật, và đã phát triển phong cách riêng của mình ở mảng tranh màu nước. Ngoài vẽ tranh về các loại động vật có thực và chỉ có trong trí tưởng tượng, bà còn vẽ các loại nấm, đồ khảo cổ, hóa thạch, côn trùng. Những năm 1890, tranh minh họa nấm và nghiên cứu về bào tử nấm của bà khiến giới nghiên cứu chú ý. Tiếp nối thành công của việc vẽ tranh minh họa thiệp và sách khổ nhỏ, bà viết truyện và vẽ tranh cho cuốn Chuyện về chú thỏ Peter, cuốn sách được tự phát hành lần đầu vào năm 1901, và một năm sau thì được NXB Frederick Warne & Co phát hành lại dưới dạng sách khổ nhỏ in ba màu. Bà đính hôn không chính thức với biên tập viên của mình, Norman Warne, vào năm 1905, bất chấp sự phản đối của cha mẹ, nhưng chỉ một tháng sau ngày đính hôn ông Warne lại mất đột ngột vì bệnh bạch cầu.

Trong khi vẫn phát hành sách đều đặn, Potter nhận được khoản thừa kế từ một bà dì, và bà mua Nông trại Đỉnh đồi ở Near Sawrey, một làng nhỏ ở khu Vùng Hồ gần Ambleside vào năm 1905. Vài thập kỷ tiếp theo, bà mua thêm nông trại để bảo tồn cảnh quan của khu vực độc đáo này. Năm 1913, ở tuổi 47, bà cưới William Heelis, một luật sư địa phương có tiếng tăm, quê ở Hawkshead. Potter cũng là một nông dân giàu có, thích thú tham gia hoạt động bảo tồn đất đai và là người từng đoạt giải nhờ nuôi thành công giống cừu Herdwick. Bà tiếp tục viết, vẽ và hợp tác với NXB Warne cho xuất bản loạt sách truyện tranh dành cho trẻ em của mình, cho tới khi công việc quản lý đất đai ngày càng nhiều còn giác quan của bà thì ngày càng kém, khiến bà gặp khó khăn. Bà đã cho xuất bản hơn 23 quyển sách; nổi tiếng nhất là loạt sách được viết và vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1902 tới năm 1922. Bà mất tại nhà vào ngày 22/12/1943, hưởng thọ 77 tuổi, và để lại toàn bộ tài sản của mình cho Quỹ ủy thác Quốc gia. Bà cũng nổi tiếng vì đã bảo tồn phần lớn đất đai mà hiện giờ là Công viên Quốc gia Vùng Hồ.

Sách của Potter tiếp tục được tái bản và bán ra trên toàn thế giới, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Những câu chuyện về thế giới động vật của bà còn được kể lại dưới hình thức bài hát, phim ảnh, vũ kịch, và phim hoạt hình.

Năm 1971, Reginald Mills đạo diễn một bộ phim ballet có tựa đề Những câu chuyện của Beatrix Potter, trong đó diễn viên là các vũ công thuộc đoàn kịch Hoàng gia Anh đã ăn mặc giả làm các nhân vật trong truyện tranh của bà. Vở ballet cùng tên đã được đem đi lưu diễn trên toàn thế giới. Năm 1982 đài BBC có làm một bộ phim nhan đề Câu chuyện về Beatrix Potter, thuật lại chuyện đời của bà lúc còn nhỏ và khi đã lớn. Năm 2006 đạo diễn Chris Noonan làm một bộ phim mang tên Cô Potter, mô tả đoạn đời lúc trẻ và thiên tình sử của Potter và vị biên tập viên của mình, với sự tham gia của diễn viên Renée Zellweger và Ewan McGregor.


(Lược dịch từ http://en.wikipedia.org/wiki/Beatrix_Potter)


Sách truyện của Beatrix Potter
23 truyện tranh về động vật
Các sách khác