Monday, November 25, 2013

Khúc ca Giáng sinh -- Chương 1

Tranh bìa – “Ông là ngựa quý của Tim suốt quãng đường từ nhà thờ về.”



CHƯƠNG 1
HỒN MA MARLEY

Marley chết rồi, đầu tiên là thế. Chả còn gì nghi ngờ gì nữa. Giấy chứng tử đã được mục sư, thư ký, nhân viên tang lễ, người đưa đám chính ký. Scrooge ký. Mà tên tuổi Scrooge nổi tiếng ở Sàn khoán[1] về bất cứ thứ gì lão sờ vào. Marley già vì thế đã chết, chắc như đinh đóng cột.
            Để ý nghe! Tôi không có ý nói là mình biết, trong tầm hiểu biết của mình, thứ gì đó đặc biệt chết chóc liên quan tới đinh đóng cột. Lẽ ra tôi phải bảo là đinh độp quách, bởi đó mới được xem là thứ đồ sắt chết chóc nhất trong nghề này. Nhưng trí khôn của tổ tiên ta nằm trong phép so sánh ấy; và đôi tay tội lỗi của tôi không dám chạm vào nó, không cả nước sẽ tiêu tùng mất thôi. Vì thế, hãy cho phép tôi nhắc lại, để nhấn mạnh là, Marley chết rồi, chắc như đinh đóng cột.
            Scrooge có biết lão chết không? Dĩ nhiên là có. Làm sao khác được? Scrooge và lão là bạn làm ăn suốt từng ấy năm trời mà tôi chả biết là bao lâu nữa. Scrooge là người điều hành duy nhất, quản lý duy nhất, ủy nhiệm duy nhất, thừa kế tài sản duy nhất, bạn duy nhất, kẻ đưa đám duy nhất của Marley. Mà thậm chí Scrooge cũng chả lấy gì làm buồn trước tin buồn kia, trừ việc tỏ ra là tay kinh doanh xuất sắc ngay trong ngày đưa tang, tiến hành nó long trọng bằng một cuộc mặc cả rõ ràng.
            Nhắc tới đám tang Marley khiến tôi quay trở lại xuất phát điểm của mình. Marley chết rồi, chả còn nghi ngờ gì nữa. Việc này phải hiểu cho rành rọt, không thì chuyện tôi sắp kể ra đây chả có gì là hay ho. Nếu ta không tin chuyện cha Hamlet đã chết trước khi vở kịch bắt đầu, thì việc ông ta đi dạo vào ban đêm, trong ngọn gió đông, trên bờ dốc thoải, nhằm, theo nghĩa đen, làm kinh hồn bạt vía con trai mình, so với chuyện một quý ông trung niên vội vàng nhỏm dậy lúc trời hôm khuya khoắt ở nơi có gió hiu hiu thổi – như nghĩa trang Nhà thờ Thánh Paul chẳng hạn, thì đâu có gì đặc biệt.
            Scrooge không bôi bỏ tên Marley già đi. Tên lão vẫn nằm đó, nhiều năm sau, trên biển hiệu văn phòng: Scrooge và Marley. Tên hãng là Scrooge và Marley. Thi thoảng mấy tay mới vào nghề có gọi tới cho Scrooge, lúc lại cho Marley, song Scrooge trả lời tuốt. Tên nào với lão chả thế.
            Ồ! Mà lão chúa là trùm sò, Scrooge ấy! Một lão già tội lỗi tham lam, chụp giựt, vồ vập, vơ vét, bóp nặn từng đồng từng cắc một! Khô cứng, sắc lẻm như đá lửa, mà không thanh thép nào đập vào có thể làm tóe ra một tia lửa hào phóng; kín kẽ, tự lập, và đơn độc như một con sò. Sự lạnh lẽo bên trong khiến thân hình già cả của lão cô đặc lại, cái mũi khoằm khoặm thêm, đôi gò má quắt queo, dáng đi cứng đờ đờ; khiến mắt lão đỏ quạch, cặp môi mỏng tái xanh; và làm lộ ra vẻ khôn lanh trong giọng nói rin rít của lão. Vòng sương giá bao phủ đầu lão, lông mày lão, và cả chiếc cằm thô cứng của lão nữa. Lão luôn mang thứ nhiệt độ lạnh lẽo ấy quanh mình; lão đóng băng văn phòng mình trong những ngày đại thử; và chả thèm làm ấm nó lên lúc Giáng sinh.
            Nhiệt độ và khí lạnh bên ngoài chả ảnh hưởng gì mấy tới Scrooge. Không hơi ấm nào làm lão nóng lên, không giá lạnh nào làm lão rét được. Không ngọn gió nào rét róng bằng lão, không trận tuyết nào khắc nghiệt bằng lão, không cơn mưa hối hả nào lạnh lùng dửng dưng như lão. Thời tiết xấu chẳng biết lão ở đâu mà lần. Mưa tuôn, nước chảy, tuyết lở, băng trôi mạnh nhất cũng chỉ hơn lão được một mặt. Đó là chúng “tuôn chảy” hậu hĩ, chứ Scrooge thì chả bao giờ.
             Không ai trên đường từng dừng lại, vui vẻ nhìn lão bảo, “Ông Scrooge thân mến, ông có khỏe không? Khi nào qua chơi với tôi đây?” Không gã ăn mày nào kỳ kèo xin lão ít bạc lẻ, không đứa trẻ con nào hỏi lão mấy giờ rồi, không thằng đàn ông, ả đàn bà nào trong đời mình đi hỏi đường lão tới chỗ này chỗ nọ. Ngay chó của người mù cũng tỏ ra biết lão; và khi thấy lão đi qua, chúng bèn kéo chủ mình lánh vào sân trước hay hiên nhà; rồi vẫy đuôi như muốn bảo, “Thà mù còn hơn có con mắt quỷ, ông chủ mờ mịt của tôi ạ!”
            Nhưng Scrooge quan tâm làm gì chứ? Lão thích thế mà. Vạch lối riêng trên đường đời tấp nập, cảnh báo tất cả những gì cảm thông thương người vui lòng tránh xa, là điều mà đối với lão, đám người hiểu biết phải gọi là “sướng mê ly”.
            Một ngày nọ –  tức Đêm trước Giáng sinh, một ngày tốt lành trong toàn bộ số ngày tốt lành trong năm –  Scrooge già đang bận rộn trong văn phòng hãng. Trời lạnh lẽo, âm u, rét cắt da cắt thịt, lại có cả mây mù: và lão có thể nghe thấy tiếng người ở bên ngoài, vừa đi vừa thở phì phò, đập tay lên ngực áo, dậm chân xuống đá lát vỉa hè để làm ấm người. Đồng hồ Thành phố vừa mới điểm ba tiếng, mà trời đã tối hù – cả ngày cũng chả sáng sủa gì – vậy là đèn đuốc lập lòe nơi cửa sổ mấy văn phòng gần đó, như những vệt bẩn hoe đỏ trên nền trời màu nâu đặc quánh. Mây mù tràn qua các khe cửa, lỗ khóa, và dày đến độ, chỉ cách nhau có mảnh sân hẹp nhất, ta cũng chỉ lờ mờ thấy mấy căn nhà đối diện. Cứ nhìn đám mây xám xịt rủ xuống, làm mờ đi vạn vật thế kia, hẳn ta phải nghĩ thiên nhiên đã ở đâu đây, đang ùn ùn kéo đến.
            Cửa văn phòng Scrooge để mở, để lão có thể quan sát viên thư ký, người đang ngồi trong cái ngách nhỏ tối tăm, y như cái thùng, ghi chép thư từ. Scrooge có ít lửa sưởi, nhưng lửa của viên thư ký còn nhỏ hơn, trông chả khác gì một hòn than. Song ông ta nào dám xin thêm, vì Scrooge giữ thùng than trong phòng; và khi viên thư ký cầm xẻng vào định lấy, thì  lão đoán được bèn giấu nhẹm nó đi. Thế là viên thư ký bèn lấy chiếc khăn choàng trắng, trùm quanh người để làm ấm mình lên dưới ánh nến; nhưng dù ông ta có giàu trí tưởng tượng đến đâu, thì cũng chả thấy ấm lên tí nào.
“Chúc bác Giáng sinh vui vẻ! Chúa cứu vớt bác!” Một giọng nói vui vẻ cất lên. Đó là giọng cháu trai của Scrooge, người ùa vào phòng nhanh đến nỗi giọng nói là thứ đầu tiên ta nghe thấy, rồi mới đến người.
            “Chà!” Scrooge bảo. “Bịp bợm!”
            Chàng trai, đứa cháu này của Scrooge, đã làm ấm mình bằng cách bước thật nhanh dưới bầu trời mù mây giá rét, nhanh đến nỗi người nóng bừng cả lên; mặt hồng hào, đẹp đẽ; mắt lấp la lấp lánh, hơi thở phả ra thành khói.
            “Giáng sinh mà bịp bợm á!” Cháu của Scrooge kêu lên. “Cháu chắc bác không có ý đó chứ?”
            “Ta có đấy,” Scrooge đáp. “Giáng sinh vui vẻ á! Mà anh có quyền gì vui mới được chứ? Vì lý do gì vui mới được chứ? Anh còn nghèo mà.”
            “Thôi nào,” cậu cháu hoan hỉ đáp. “Vậy bác có quyền gì ủ ê đến là vậy? Vì lý do gì rầu rĩ đến là vậy? Bác giàu rồi mà.”
            Scrooge không có sẵn câu trả lời lúc ấy, bèn kêu, “Chà” một lần nữa, rồi lại bảo, “Bịp bợm”.
            “Đừng cáu, bác ơi!” cậu cháu bảo.
            “Ta làm sao khác được,” ông bác đáp, “khi sống trong thế giới đầy kẻ ngốc thế này? Giáng sinh vui vẻ á! Cút ngay cái Giáng sinh vui vẻ ấy đi! Giáng sinh với anh là thời gian nào nếu chả phải lúc thanh toán hóa đơn mà không có tiền nộp; thấy mình già đi một tuổi, mà không dư ra được một giờ; là lúc cân đối sổ sách, trưng ra trước mặt từng ấy thứ chết dí suốt mười hai tháng trời qua hả? Nếu làm theo ý ta,” Scrooge hằn học bảo, “thì mấy thằng đần đi loanh qua loanh quanh mở mồm ra bảo ‘Giáng sinh vui vẻ’ sẽ bị cho vào nồi luộc chung với bánh pudding Giáng sinh[2], rồi đem chôn với cọc ô rô đâm qua tim. Vậy đó!”
            “Bác ơi là bác!” Cậu cháu nài nỉ.
            “Ông cháu à!” Ông bác lạnh lùng đáp lại, “hãy giữ Giáng sinh theo cách của mình, và để ta giữ nó theo cách của ta.”
            “Giữ nó á!” Cháu trai Scrooge lặp lại. “Nhưng bác có giữ đâu.”
            “Vậy hãy để mặc ta với nó,” Scrooge bảo. “Chúc anh Giáng sinh mọi sự tốt lành! Mọi sự nó đã làm cho anh ấy!”
            “Có nhiều thứ cháu thấy rất tốt, dù chả đem lại lợi lộc gì, cháu dám nói thế đấy,” cậu cháu đáp lời; “Giáng sinh là một trong số ấy. Song cháu chắc mình, khi nó đến gần, luôn nghĩ về nó như một khoảng thời gian tốt lành – bất luận sự sùng kính là do cái tên hay nguồn gốc, nếu bất cứ thứ gì thuộc về nó có thể tách bạch ra khỏi đấy; khoảng thời gian của tình thân ái, lòng từ tâm, sự tha thứ, sự tử tế; khoảng thời gian duy nhất mà cháu biết, trong cả năm dài, khi đàn ông, đàn bà dường như tâm đầu ý hợp mở toang cõi lòng khép kín của mình ra, nghĩ tới những người kém cỏi hơn mình, như thể họ thật sự là bạn bè đồng cam cộng khổ, chứ không phải sinh vật thuộc giống nòi nào khác mà ta tình cờ gặp trên mấy đoạn đường đi. Vì thế, bác ạ, dù nó chả nhét vàng bạc gì vào túi cháu, thì cháu vẫn tin Giáng sinh đã sẽ mang điều tốt lành tới cho mình; vậy cháu mới bảo, Chúa phù hộ Giáng sinh!”
            Viên thư ký ngồi trong cái thùng của mình vô tình vỗ tay. Chợt nhận ra làm thế không phải lúc, ông ta bèn cời lửa, và làm tắt luôn luồng sáng cuối cùng.
            “Tôi mà nghe thêm tiếng nào từ phía anh,” Scrooge bảo, “thì anh sẽ ngồi không ôm Giáng sinh mà xơi đấy! Còn ông thật là một tay hùng biện giỏi, thưa quý ông,” lão quay lại phía cậu cháu, nói thêm. “Ta tự hỏi sao ông không đi làm ông nghị đi.”
            “Đừng giận chứ bác. Thôi! Mai tới chỗ bọn cháu ăn tối nhé.”
            Scrooge bảo sẽ tới – Ừ, tới thật mà. Lão kéo dài giọng, rồi bảo rằng sẽ tới khi nào gặp cậu cháu ở tận cùng thế giới ấy.
            “Sao vậy?” Cháu Scrooge kêu lên. “Sao lại thế cơ chứ?”
            “Vậy sao anh cưới vợ?” Scrooge hỏi.
            “Vì yêu.”
            “Vì yêu !” Scrooge làu bàu, như thể đó là thứ duy nhất trên quả đất nghe còn ngớ ngẩn hơn một Giáng sinh vui vẻ vậy. “Thôi chào nhé!”
            “Mà bác ơi, bác có bao giờ tới thăm cháu trước khi chuyện đó xảy ra đâu. Vậy sao giờ lại lấy nó làm lý do cho việc không tới chơi chứ?”
            “Chào nhé,” Scrooge bảo.
            “Cháu chả muốn thứ gì từ bác; cháu không xin xỏ gì bác; vậy sao mình không làm bạn được nhỉ?”
            “Chào anh!” Scrooge bảo.
            “Cháu xin lỗi, bằng cả tấm lòng, khi thấy bác kiên quyết thế. Chúng ta chưa bao giờ bàn cãi về việc cháu bày tiệc cả. Nhưng cháu đã thử bày tỏ lòng tôn kính Giáng sinh của mình, và sẽ giữ tinh thần Giáng sinh vui vẻ tới phút chót. Vậy nên, Giáng sinh Vui vẻ nghe bác!”
            “Chào anh,” Scrooge bảo.
            “Và một Năm mới Bình an!”
            “Chào!” Scrooge bảo.
            Song cậu cháu rời phòng mà chả hề bực dọc. Cậu dừng lại phía cửa ngoài để gửi lời chúc tới viên thư ký, người dù rất cóng, vẫn ấm lòng hơn Scrooge; vì ông ta thân mật đáp lại lời chúc ấy.
            “Lại thêm thằng nữa,” Scrooge, nghe lỏm viên thư ký nói, liền lẩm bẩm bảo: “thư ký của ta, ăn lương 15 shilling một tuần, có vợ con đùm đề, lại đi chúc Giáng sinh cơ đấy. Ta nghỉ làm vào Bedlam[3] ở mất thôi.”
            Thằng điên này, vừa tiễn cháu của Scrooge ra, lại đón hai kẻ khác vào. Họ là hai quý ông béo tốt, dễ thương, đã bỏ mũ, đang đứng trong phòng Scrooge. Họ cầm bút viết, sổ sách, cúi đầu chào lão.
            “Hãng của Scrooge và Marley, tôi tin là thế,” một trong hai quý ông chỉ vào danh sách của mình, nói. “Tôi hân hạnh được tiếp chuyện với Ông Scrooge, hay Ông Marley đây?”
            “Marley chết được bảy năm rồi,” Scrooge đáp. “Ông ấy mất bảy năm về trước, vào đúng đêm này.”
            “Chúng tôi tin sự hào phóng của ông ấy được cộng sự còn sống của mình thể hiện tốt,” quý ông kia nói, chìa ra thư ủy nhiệm.
            Dĩ nhiên rồi; hai lão từng là bạn tâm giao mà. Nhưng nghe tới từ ‘sự hào phóng’ đầy điềm gở ấy thì Scrooge cau mày, lắc đầu, và đẩy tờ thư ủy nhiệm trở lại.
            “Vào mùa này trong năm, thưa Ông Scrooge,” quý ông nọ đáp, tay cầm cây bút lên, “thường ai cũng mong chúng ta sẽ giúp đỡ một ít cho người nghèo khó, những kẻ phải chịu khổ trong lúc này. Nhiều nghìn người đang cần nhu yếu phẩm; hàng trăm nghìn người đang cần có những tiện ích tối thiểu, thưa ông.”
            “Bộ hết nhà tù rồi sao?” Scrooge hỏi.
            “Nhiều nhà tù lắm ạ,” quý ông nọ đáp, đặt bút xuống.
            “Trại tế bần bên Hội đoàn nữa chi?” Scrooge gặng hỏi. “Đám đó còn hoạt động hay không?”
            “Còn. Còn đấy ạ,” quý ông kia đáp lời. “Tôi ước gì mình có thể bảo chúng ngừng hoạt động cho rồi.”
            “Luật Lao dịch và Luật Người nghèo[4] vẫn chạy đều cả chứ?” Scrooge hỏi.
            “Cả hai đều bận rộn, thưa ông.”
            “Ố! Vậy tôi e, từ những gì mấy ông nói lúc đầu, thì có thứ gì đó khiến chúng ngừng hoạt động cả rồi,” Scrooge đáp. “Tôi rất vui nếu mấy ông nói cho tôi biết.”
            “Vì thấy mấy thứ đó hiếm khi đem lại cho đám đông niềm vui tinh thần và thể chất Thiên chúa giáo,” quý ông nọ đáp lời, “nên chúng tôi đang cố gây quỹ để mua ít đồ ăn thức uống cho người nghèo, cả đồ ấm nữa ạ. Chúng tôi chọn thời điểm này, vì đây là lúc, trong mọi lúc, sự Thiếu Thốn được cảm nhận rõ ràng, còn sự Dư dả cũng bày ra hoan hỉ. Chúng tôi ghi cho ông bao nhiêu đây?”
            “Không gì hết!” Scrooge đáp.
            “Ông không muốn đề tên à?”
            “Tôi muốn mình được yên,” Scrooge bảo. “Thưa quý ông, vì mấy ông hỏi tôi muốn gì, nên đó là câu trả lời của tôi. Tôi không vui khi Giáng sinh đến, và không muốn bỏ tiền cho bọn người lười biếng mua vui. Tôi giúp tiền cho mấy tổ chức mà tôi đã kể trên – riêng chúng là đủ lắm rồi; còn ai nghèo quá thì phải đi đến đấy.”
            “Nhiều người không thể đến đấy; họ thà chết còn hơn.”
            “Nếu họ muốn chết, thì cứ để họ làm thế,” Scrooge đáp, “giảm bớt dân số thừa đi. Vả lại, xin lỗi nhé, tôi không biết chuyện này đâu”
            “Nhưng ông phải biết chứ,” một quý ông kêu lên.
            “Không phải việc của tôi,” Scrooge đáp trả. “Một người hiểu chuyện kinh doanh của mình, không tham gia vào chuyện của người khác là đủ lắm rồi. Việc của tôi mất nhiều thì giờ lắm. Chào nhé, các quý ông!”
            Thấy rõ là có đeo đuổi cũng chả được gì, hai quý ông nọ đành rút lui. Scrooge quay lại với việc của mình, lấy làm phởn chí, và tỏ vẻ bông lơn hơn thường lệ.
            Trong khi đó mây mù và bóng tối dày đặc, đến nỗi người ta chạy quanh thành hàng với ngọn đèn lấp lóe trên tay, nhận làm chân soi đường chỉ lối cho các cỗ xe ngựa. Tháp chuông cổ kính của nhà thờ, nơi cái chuông cũ kỹ thô lỗ luôn ranh mãnh nhòm ngó vào phòng Scrooge qua khung cửa kiểu Gothic trên tường, giờ biến mất, đánh chuông cứ 15 phút và từng tiếng một trong mây, để lại đằng sau những rung động run rẩy, như thể răng nó va lập cập trong cái đầu bị đóng băng ở tuốt trên cao. Cái lạnh thật khắc nghiệt. Trên phố chính, ở góc sân, mấy chú lao công đang sửa đường ống khí, có nhóm một lò lửa lớn, quanh đó đám đàn ông, trẻ trai ăn mặc rách rưới tụ tập lại: hơ tay, háy mắt khoan khoái nhìn ngọn lửa. Cống xả thải để mặc không đậy điệm, nước tràn ra ngoài lập tức đông đặc lại, hóa thành thứ băng thù ghét con người. Ánh sáng ở mấy cửa hiệu, nơi cành và quả ô rô kêu tanh tách dưới sức nóng của ngọn đèn quầy hàng, khiến những gương mặt xanh xao lướt qua hồng hào hẳn lên. Tiệm bán gia cầm và rau quả trở thành chốn đùa vui: một hoạt cảnh huy hoàng tráng lệ là vậy, nên người ta khó tin được là mấy nguyên tắc chán phèo như mặc cả, đại hạ giá lại phát huy tác dụng ở đấy. Ngài Thị trưởng, trong thành trì dinh thự đồ sộ của mình, lệnh cho 50 đầu bếp và quản gia bày tiệc Giáng sinh sao cho xứng tầm thị trưởng; thậm chí chú thợ may nhỏ thó, người vừa bị phạt năm xi-linh thứ Hai tuần rồi vì tội say xỉn, gây lộn ngoài đường, cũng đang đảo món bánh pudding Giáng sinh dành cho bữa mai trên gác xép, trong khi cô vợ gầy gò ôm đứa nhỏ lượn ra phố mua thịt bò.
            Trời càng lúc càng thêm mù mịt, lạnh lẽo! Cái lạnh cắt da cắt thịt, thấu buốt ruột gan, tê cóng cả chân tay. Nếu Thánh Dunstan[5] tốt lành mà dùng thời tiết này chọc vào mũi Quỷ sứ, thay vì dùng thứ vũ khí quen thuộc, thì hắn hẳn sẽ phải gầm lên khiếp đảm. Một chàng trai có cái mũi măng sữa hiếm hoi, bị cái lạnh đói khát gặm nhấm, nhá nhẩm, như thể cục xương bị đàn chó gặm, cúi xuống nhòm vào lỗ khóa nhà Scrooge, đề nghị hát tặng lão một ca khúc Giáng sinh; nhưng ngay khi những âm thanh đầu tiên cất lên, “Chúa phù hộ ngài, quý ông vui vẻ ơi; Chúc ngài không còn gì buồn phiền nữa hết!” thì Scrooge vớ lấy cây thước kẻ vung mạnh đến nỗi chàng ca sĩ sợ quá ù té chạy, để cái lỗ khóa lại cho mây mù, và đám sương giá còn thân thiện hơn lão già kia.
            Rốt cuộc cũng đã tới giờ đóng cửa văn phòng hãng. Với tâm địa xấu xa, Scrooge rời ghế, ngầm thừa nhận sự thật ấy với viên thư ký đang chờ đợi nơi cái thùng, người ngay lập tức thổi tắt ngọn nến, đội mũ lên đầu.
            “Tôi cho là anh muốn nghỉ ngày mai, đúng không?” Scrooge bảo.
            “Nếu thấy tiện, thưa ông.”
            “Thế không tiện, không công bằng đâu,” Scrooge bảo. “Nếu tôi buộc phải cắt nửa đồng crown[6] vì chuyện đó, thì anh sẽ nghĩ mình bị bạc đãi đúng không?”
            Viên thư ký cười nhạt.
            “Ngược lại,” Scrooge tiếp, “anh đâu có nghĩ là tôi bị bạc đãi nếu trả cho anh cả ngày lương trong khi anh chả làm việc gì.”
            Viên thư ký bảo đây là dịp duy nhất trong năm.
            “Cái cớ tồi tệ để móc túi một người vào mỗi 25 tháng 12!” Scrooge bảo, cài nút chiếc áo khoác to tướng của mình lên tới cằm. “Nhưng tôi cho là anh sẽ làm cả ngày đấy. Mai đến sớm nhé.”
            Viên thư ký hứa sẽ đến; còn Scrooge làu bàu đi ra. Văn phòng lập tức được đóng lại, và viên thư ký, với đầu chiếc khăn choàng dài lòng thòng đến tận eo (vì ông ta chả thể khoe khoang về chiếc áo khoác to tướng nào), bèn tới cầu trượt trên phố Cornhill[7], nơi cuối đường có một đám trẻ trai, trèo lên tuột xuống 20 lần để đón mừng Đêm trước Giáng sinh, rồi vắt chân lên cổ chạy một mạch về nhà bên quận Camden, để chơi trò bịt mắt bắt dê.
            Scrooge ăn bữa tối buồn thảm trong quán ăn buồn thảm quen thuộc của mình; sau đó đọc hết mớ báo chí, tiêu khiển với mớ tài khoản sổ sách cho hết tối, rồi về nhà đi ngủ. Lão sống trong loạt buồng trước kia thuộc về viên cộng sự đã mất của mình. Chúng là một loạt buồng đôi ảm đạm, nằm trong tòa nhà thấp tầng phía trước có một mảnh sân, nơi có rất ít việc để tồn tại cái mảnh sân ở đấy, ít đến nỗi chả ma nào thèm léo hánh tới khi tòa nhà còn mới, chơi trốn tìm với các tòa nhà khác, và quên mất lối ra. Giờ nó cũ kỹ và tồi tàn lắm; không ai sống ở đó ngoại trừ Scrooge, các buồng khác thì đều mở ra làm văn phòng cả. Sân thì tối đến độ ngay cả Scrooge, người biết rõ từng hòn đá một, cũng xin miễn cho vụ mò đường. Sương giá phủ đầy cánh cổng cũ đen đúa của tòa nhà, như thể Thần thời tiết đang ngồi buồn thương nơi ngưỡng cửa.
            Giờ hiển nhiên ta thấy cái vòng gõ cửa chả có gì đặc biệt, trừ việc nó rất lớn. Hiển nhiên Scrooge cũng đã thấy nó, ngày cũng như đêm, suốt thời gian sống ở đây; mà bản thân Scrooge cũng thấy rất ít những gì có thể được xem là hay ho, cuốn hút mình, hệt như bất cứ gã đàn ông nào ở Thành Luân Đôn này, bao gồm – từ này gớm lắm đấy – cả hội đồng thành phố, hội đồng phân khu, thành viên phường hội. Nên nhớ là Scrooge chả thèm nghĩ tới Marley tẹo nào từ hồi chiều, khi nhắc lại cái chết cách đây bảy năm của cộng sự, tới giờ. Vậy nên hãy để ai đó giải thích cho tôi, nếu ông ta có thể làm thế, việc làm sao mà Scrooge, đang tra chìa vào ổ khóa, thì thấy trong cái vòng gõ cửa, dù không trải qua sự biến đổi nào – giờ không còn là nó nữa, mà là mặt Marley.
            Mặt Marley. Nó không phải cái bóng không thể xuyên thấu như mọi thứ khác trong vườn, mà là thứ ánh sáng ảm đạm, hệt như tôm hùm thiu thối dưới hầm rượu tối. Nó không giận dữ hay hung ác, mà chỉ nhìn Scrooge hệt như Marley đã nhìn: với đôi mục kỉnh ma bị đẩy lên phía trước vầng trán ma. Tóc nó dựng đứng một cách kỳ lạ, như thể bị một luồng hơi nóng thổi qua; và dù mở to, cặp mắt lại hoàn toàn bất động. Cộng với màu xám xanh của nó, hồn ma trông thật khủng khiếp; nhưng sự đáng sợ đó bất chấp cả khuôn mặt, vượt quá mức kiểm soát, chứ không phải một phần vẻ biểu cảm của nó.
            Khi Scrooge chăm chú nhìn lại hiện tượng trên, thì nó lại biến thành cái vòng gõ cửa.
            Quả thật không đúng nếu bảo là lão không ngạc nhiên, hay máu trong người lão không sôi lên vì cảm xúc kinh khủng nào đó vốn xa lạ với lão từ bé tới giờ. Nhưng lão vẫn đặt tay lên chiếc chìa vừa mới buông ra, vặn mạnh nó, bước vào phòng và thắp nến lên.
            Lão dừng lại, phân vân một chút, trước khi đóng cửa; và lão cẩn thận nhìn lại phía sau, như nửa tin nửa ngờ là sẽ bị cái đuôi tóc của Marley thò ra nơi hành lang dọa cho mẻ nữa. Nhưng chả có gì sau cánh cửa, trừ mớ bù loong, đinh vít giữ cho cái vòng gõ nằm đó, vậy là lão kêu lên, “Xì, xì!” rồi đóng sầm cửa lại.
            Tiếng cửa đóng ầm vang khắp nhà, nghe như tiếng sấm. Mỗi căn buồng bên trên, và mọi ngóc ngách hầm rượu của nhà buôn ở bên dưới, đều như dội lại từng phần tiếng động đó. Scrooge không phải người sợ tiếng dội. Lão khóa cửa, băng qua hành lang, leo lên lầu: lão đi thật chậm, vừa đi vừa che ngọn nến của mình.
            Bạn có thể vội vàng bảo rằng đi lên cầu thang cũ thì y như lái một cỗ xe có sáu người ngồi ở trên, hay như duyệt một Đạo luật Quốc hội vừa non tay vừa dở hơi là cùng; nhưng ý tôi lại bảo bạn rằng đi lên cái cầu thang ấy thì y như ngồi trên một chiếc xe tang, mà nhìn rộng ra, thì trục xe hướng về phía bức tường, còn cửa xe hướng về phía lan can: nói vậy đi cho dễ hình dung. Có nhiều khoảng không, nhiều căn phòng để trống về hướng ấy; và đó có lẽ là lý do tại sao Scrooge nghĩ lão nhìn thấy một chiếc xe tang di động đang lờ mờ ở phía trước. Nửa tá đèn thắp ngoài đường chưa chắc đã soi tỏ lối vào, vậy nên bạn có thể hiểu là Scrooge đang chìm trong bóng tối mịt mù.
            Scrooge cứ thế đi lên, không mảy may quan tâm gì đến việc ấy. Bóng tối rẻ rề, mà Scrooge thì thích thế. Nhưng, trước khi đóng cánh cửa nặng nề lại, lão rảo qua các buồng xem mọi thứ có ổn cả không. Lão nhớ rõ khuôn mặt kia đến độ rất muốn làm thế.
            Phòng khách, phòng ngủ, nhà kho. Tất cả đều ổn thỏa. Không ai ở dưới gầm bàn, gầm ghế xô-pha; ngọn lửa nhỏ cháy trong lò; muôi thìa, bồn rửa y nguyên; và cái nồi con nấu cháo thì đặt trên ngăn hâm lại (Scrooge bị cảm lạnh nhức đầu). Không ai ở dưới gầm giường; trong tủ áo; không ai bận áo ngủ của lão, thứ treo trên tường với dáng vẻ đáng ngờ. Nhà kho vẫn bình thường. Khung chắn lò sưởi cũ, đôi giày cũ, hai cái giỏ đựng cá, cái giá ba chân để đặt chậu rửa mặt, và que cời lửa vẫn y nguyên.
            Rất hài lòng, lão đóng cửa buồng lại, tự nhốt mình bên trong; tức là nhốt mình hai lần ở bên trong, vốn không phải thói quen của lão. Sau khi an toàn trước mẻ hú hồn vừa rồi, lão cởi cà-vạt, khoác lên mình chiếc áo ngủ, mang đôi dép ngủ, đội lên đầu chiếc mũ ngủ, rồi ngồi xuống trước ngọn lửa chén món cháo của mình.
            Lửa trong lò thật ra rất nhỏ; chả là gì trong một đêm khắc nghiệt đến thế. Lão buộc phải ngồi gần nó, nghiền ngẫm hồi lâu, trước khi có thể cảm nhận chút ấm áp tỏa ra từ nguồn năng lượng nhỏ bé ấy. Đó là một cái lò sưởi cũ, được một thương gia Hà Lan nào đấy xây từ rất lâu rồi, lát toàn bằng gạch Hà Lan trông lạ mắt, trang trí theo kiểu minh họa điển tích Kinh Thánh. Có cảnh về Cain và Abel, con gái các Pharaoh, Nữ hoàng Sheba, các thiên sứ giáng trần trong những đám mây nom như những chiếc giường làm bằng lông vũ, tổ phụ Abraham, Belshazzar, các tông đồ ra khơi trên những con thuyền sâu đáy, hàng trăm nhân vật thu hút ý nghĩ lão; và khuôn mặt của Marley, đã chết bảy năm rồi, hiện ra như cây gậy của Nhà tiên tri, nuốt chửng hết tất cả. Nếu mỗi viên gạch trơn láng kia ban đầu mà trống không, thì với khả năng định hình những mảnh ghép rời rạc ý nghĩ của lão trên đó, hẳn mỗi viên phải mang hình cái đầu của Marley.
            “Bịp bợm!” Scrooge kêu lên; rồi rảo bước quanh buồng.
            Sau vài lượt tới lui, lão lại ngồi xuống ghế. Lúc ngả đầu ra sau, lão tình cờ liếc qua cái chuông, một cái chuông không dùng đến, được treo trong phòng, vì lý do nào đó mà giờ chả ai còn nhớ, được nối với căn buồng trên tầng cao nhất của tòa nhà. Và thật kinh ngạc, khiếp sợ làm sao, một sự khiếp sợ kỳ lạ, không giải thích nổi, khi lão nhìn thấy chiếc chuông bắt đầu rung. Ban đầu nó rung nhẹ đến nỗi hầu như không kêu thành tiếng; nhưng chả mấy chốc nó reo to, và mọi cái chuông trong tòa nhà đều thế.
            Chuyện đó xảy ra đâu chừng nửa phút, hay một phút, nhưng cứ như cả giờ đồng hồ. Đột nhiên toàn bộ số chuông ngừng kêu, hệt như khi chúng bắt đầu. Rồi tiếng loảng xoảng ở tít bên dưới nối tiếp tiếng chuông, như ai đó đang kéo lê sợi xích nặng trên những chiếc thùng rượu dưới hầm của tay nhà buôn vậy. Scrooge chợt nhớ đã được nghe bảo là ma trong mấy căn nhà bị ám thường hay đeo xích lắm.
            Cửa tầng hầm bật mở cái rầm, rồi lão nghe thấy tiếng động to hơn ở các tầng bên dưới; rồi trên cầu thang; rồi tới thẳng buồng lão.
            “Lại bịp!” Scrooge nói. “Mình chả tin chuyện này.”
            Dù vậy mặt lão biến sắc khi tiếng động đó, không hề dừng lại, mà đi qua cánh cửa nặng nề, lướt vào phòng ngay trước mắt lão. Khi nó vào, ngọn lửa đang tàn lụi chợt bùng lên, như thể kêu to, “Tôi biết hắn! Là hồn ma Marley đó!” rồi nhỏ lại.
            Khuôn mặt cũ: y hệt như cũ. Marley với đuôi tóc, áo chẽn, quần bó, giày ủng thường dùng; ngù bông cột nơi chòm râu, y như cái đuôi tóc, rồi áo đuôi tôm, mớ tóc trên đầu. Sợi xích lão kéo theo bị khóa lại ở giữa. Đó là sợi xích dài và quấn quanh người lão hệt như một cái đuôi; và (khi Scrooge nhìn gần thì thấy) nó được làm từ đám tráp đựng tiền, chìa khóa, ổ khóa, sổ cái, chứng từ, ví tiền nặng trĩu, và đều bằng thép cả. Thân hình lão trong suốt; đến nỗi Scrooge nhìn lão, thì thấy luôn hai cái nút đính đằng sau chiếc áo lão đang mặc.
            Scrooge thường nghe người ta bảo là Marley không có ruột, nhưng lão chả bao giờ tin cho tới tận lúc này.
            Mà thậm chí lúc này đây, lão cũng chả tin nổi nữa. Dù lão nhìn qua lại mấy lần hồn ma, và rành rành thấy nó đứng đực ra đấy; dù lão cảm thấy luồng khí lạnh tỏa ra từ cặp mắt lạnh lẽo chết chóc của nó; nhận ra từng đường dệt của chiếc khăn tay xếp lại được quấn quanh đầu cổ nó, thứ trước đó lão chưa kịp nhìn ra; thì lão vẫn ngờ vực, và tìm cách bác bỏ giác quan của mình.
            “Giờ sao nào!” Scrooge bảo, cay độc và lạnh lùng như mọi khi. “Anh muốn gì ở tôi nào?”
            “Nhiều lắm!” – Giọng của Marley, chả còn nghi ngờ gì nữa.
            “Anh là ai?”
            “Hỏi xem tôi đã là ai đi.”
            “Vậy anh đã là ai?” Scrooge cất cao giọng hỏi. “Anh, đặc biệt vì cái bóng này.” Lão định nói “với cái bóng này,” nhưng kịp thay từ cho phù hợp.
            “Lúc còn sống tôi từng là cộng sự của anh, Jacob Marley.”
            “Anh – anh ngồi xuống được không?” Scrooge hỏi, nhìn hồn ma đầy vẻ nghi ngờ.
            “Được.”
            “Vậy ngồi đi.”
            Scrooge hỏi thế, là vì lão không biết liệu một hồn ma trong suốt có ngồi xuống được hay không; và thấy là, trong một sự việc khó có thể xảy ra, thì lời giải thích gây lúng túng lại hay cần đến. Nhưng Hồn ma ngồi xuống phía đối diện lò sưởi, như thể quen với việc đó từ rất lâu rồi.
            “Anh không tin tôi,” Hồn ma bảo.
            “Tôi không tin,” Scrooge đáp.
            “Do đâu anh thấy tôi nếu chả phải do giác quan của anh mà ra?”
            “Tôi không biết,” Scrooge đáp.
            “Sao anh nghi ngờ giác quan của mình thế?”
            “Là vì,” Scrooge bảo, “một vật tí teo cũng ảnh hưởng tới chúng. Dạ dày không ổn là chúng hỏng. Anh có thể chén phải ít thịt bò, chút mù tạt, mẩu phó mát khó tiêu, miếng cà chua tai tái. Dù anh có là thứ quái quỷ gì đi nữa, thì có khi do tôi xơi nhiều nước sốt quá chứ chả phải hồn ma bóng quế gì.”
             Scrooge không có thói quen tếu táo, trong thâm tâm cũng chẳng muốn đùa vui. Sự thật là, lão đang cố tỏ ra ranh ma, nhờ đó làm xao lãng sự chú tâm và giảm bớt sự kinh hãi của chính mình; vì giọng nói của hồn ma khiến lão lạnh cả xương sống.
            Im lặng ngồi nhìn cặp mắt đờ đẫn bất động ấy được một lúc, Scrooge chịu hết nổi. Sự tồn tại của bóng ma có cái gì đó thật khủng khiếp, bên cạnh bầu không khí quái đản của nó. Scrooge không thể tự mình cảm nhận ra, nhưng rõ là thế; dù Hồn ma ngồi hoàn toàn bất động, thì tóc tai, đuôi áo, cái ngù bông vẫn bay phần phật như bị hơi nóng trong lò thổi qua.
            “Anh thấy cây tăm này không?” Scrooge hỏi, nhanh chóng quay lại phản pháo, vì lý do vừa nêu; và ước ao, dù chỉ một giây, có thể tránh cái nhìn lạnh tanh của bóng ma nọ.
            “Thấy,” Hồn ma đáp.
            “Anh có nhìn nó đâu,” Scrooge bảo.
            “Nhưng tôi thấy,” Hồn ma đáp, “dù không nhìn.”
            “Ồ!” Scrooge đáp trả, “tôi phải nuốt trôi điều này, và sống nốt quãng đời còn lại bị đám yêu tinh quỷ sứ quấy rầy, tất cả đều do tôi bịa đặt ra. Bịp bợm, tôi bảo anh thế đấy; bịp tất!”
            Đến đây thì hồn ma rú lên một tiếng ghê rợn, và lúc lắc sợi xích với tiếng ồn thật thê thảm, hãi hùng, đến nỗi Scrooge phải nắm chặt thành ghế, để khỏi ngã lăn ra bất tỉnh. Nhưng lão còn khiếp vía hơn khi bóng ma tháo chiếc khăn quấn quanh đầu ra, như thể quấn nó trong nhà thì bức quá, và cái hàm dưới của nó liền trễ ngay xuống ngực!
            Scrooge ngã khuỵu gối, lấy tay che mặt.
            “Trời ơi!” lão kêu lên. “Hình bóng ghê sợ kia, sao ngươi làm phiền ta vậy?”
            “Này con người của thế giới trần tục!” Hồn ma đáp lại, “ngươi đã tin ta chưa?”
            “Ta tin,” Scrooge đáp. “Phải tin thôi. Nhưng vì sao hồn ma bóng quế đi lại trên mặt đất, vì sao chúng tìm đến chỗ ta?”
            “Cái đó do từng người,” Hồn ma đáp, “mà linh hồn hắn có đi đi lại lại giữa đám bằng hữu, và bay xa bay rộng hay không; nếu lúc còn sống, linh hồn hắn không chịu đi đâu, thì sau khi chết nó sẽ bị kết tội. Nó phải chịu cái án lang thang vất vưởng khắp thế gian này – ôi, thương thay cái thân ta! – và chứng kiến những điều nó không thể sẻ chia, mà lẽ ra phải sẻ chia và biến nó thành niềm vui khi còn sống!”
            Bóng ma lại rú lên, lúc lắc sợi xích và siết chặt tay mình.
            “Ngươi bị xích,” Scrooge run rẩy bảo. “Nói cho ta biết tại sao đi?”
            “Ta mang sợi xích do chính tay ta rèn ra khi còn sống,” Hồn ma đáp. “Ta làm từng mắt xích của nó, từng phân một; ta tự mình quấn nó vào người, tự mình cả đấy. Ngươi có thấy lạ không?”
            Scrooge càng lúc càng run hơn.
            “Hay ngươi cũng biết,” Hồn ma nói tiếp, “sức nặng và độ dài cuộn xích mà ngươi sẽ phải mang? Nó đã nặng và dài bằng ngần này cách đây bảy mùa Giáng sinh rồi. Từ đó tới giờ ngươi đã vất vả rèn thêm nó. Đó là sợi xích nặng khủng khiếp!”
            Scrooge liếc nhìn bóng của mình trên sàn, lo sẽ thấy mình bị quấn bởi một sợi xích sắt dài 50, 60 sải, nhưng lão chẳng thấy gì.
            “Jacob!” lão vật nài kêu. “Jacob Marley già, bảo tớ biết thêm đi! Nói lời an ủi tớ đi, nào Jacob!”
            “Tớ chả có gì để nói cả,” Hồn ma đáp lại. “Thứ ấy từ nơi khác đến, Ebenezer Scrooge ạ, được người khác mang tới cho những kẻ khác nhau. Tớ chả thể bảo cậu điều mình muốn. Tớ được phép nói rất ít. Tớ không thể ngơi nghỉ, không thể ở lại, không thể nấn ná ở bất cứ đâu. Hồn tớ khi xưa chưa từng đi quá văn phòng hãng – nhớ lời tớ nhé; lúc sống hồn tớ có bao giờ lượn quá ranh giới chỗ đổi chác tiền bạc của bọn mình đâu; nên giờ những chuyến hành trình mệt lử cứ chờ tớ phía trước!”
            Scrooge có thói quen khi nào nghĩ lung thì đút tay vào túi quần. Nên khi ngẫm nghĩ về những gì Hồn ma nói, lão lại làm thế, mà không cần ngước mắt lên nhìn hay nhấc đôi đầu gối.
            “Vậy chắc cậu buồn lắm, Jacob nhỉ?” Scrooge bảo bằng cái vẻ thạo đời, dù có đôi chút nhún nhường, kính trọng.
            “Buồn chán á!” Hồn ma lặp lại.
            “Thì chết bảy năm rồi còn gì,” Scrooge đăm chiêu bảo. “Mà đi đi lại lại suốt?”
            “Đi lại suốt,” Hồn ma đáp. “Chả nghỉ chả ngơi gì cả. Thật là đòn tra tấn liên tục đầy đớn đau.”
            “Cậu đi có nhanh không?” Scrooge hỏi.
            “Trên đôi cánh của gió ấy,” Hồn ma đáp.
            “Chắc cậu phải lướt qua vô số nơi trong suốt bảy năm qua,” Scrooge bảo.
            Hồn ma, nghe thấy thế, lại rú lên, và khua sợi xích của mình trong sự im lặng chết chóc của đêm khuya, khủng khiếp đến nỗi cả khu phố hẳn phải kêu gào về việc làm phiền.
            “Ôi! Bị giam cầm, cùm kẹp, bị hai lần xiềng xích,” bóng ma kêu khóc, “vì chả biết là, bao công lao khó nhọc không ngừng nghỉ, do quỷ thần bỏ ra, cho thế gian này rồi sẽ trôi cả vào vĩnh hằng, cho tới khi phần tốt đẹp mà thế gian có thể có, tiếp tục được phát triển! Vì chả biết là, bất cứ linh hồn Thiên chúa giáo nào làm việc tử tế trong giới hạn nhỏ bé của mình, dù đó là bất cứ việc gì, thì sẽ thấy đời sống phàm tục của mình quá ngắn ngủi để chỉ giành giật lấy vô vàn những điều xa xỉ tiện lợi! Vì chả biết là, không hối hận nào có thể sửa lại cơ hội trời phú cho cả đời người đã bị dùng sai! Là thế đấy! Ôi tớ là thế đấy!”
            “Nhưng cậu luôn là tay kinh doanh giỏi mà Jacob,” Scrooge, kẻ bắt đầu nghiệm lại điều đó với chính mình, ấp úng nói.
            “Kinh doanh á!” Hồn ma kêu lên, bóp chặt đôi tay lần nữa. “Con người là chuyện kinh doanh của tớ. Ích lợi chung là chuyện kinh doanh của tớ; việc thiện nguyện, nhân từ, lòng độ lượng, nhân đức, tất tần tật, đều là chuyện kinh doanh của tớ. Buôn bán chỉ là giọt nước trong cả đại dương kinh doanh bao la của tớ!”
            Nó nhấc sợi xích lên cao chừng cánh tay, như thể đó là nguyên do cho tất cả nỗi buồn đau vô ích của mình, rồi quật mạnh xuống đất.
            “Thời điểm này trong suốt cả năm,” hồn ma tiếp, “là lúc tớ khốn khổ nhất. Sao tớ lại đi lại giữa đám bằng hữu với đôi mắt cụp xuống, chả bao giờ ngước lên nhìn Vì sao phước lành đã dẫn đường Ba vua tới hang đá nghèo khổ cơ chứ? Chả có mái nhà nghèo khổ nào lẽ ra đã soi đường dẫn lối tớ ư?”
            Scrooge suy sụp hẳn khi nghe hồn ma ca thán mãi thế, và bắt đầu run lẩy bẩy.
            “Nghe này!” Hồn ma rú lên. “Thời gian của tớ sắp hết.”
            “Rồi rồi,” Scrooge bảo. “Đừng khắc nghiệt với tớ thế! Đừng hoa hòe hoa sói nữa Jacob! Cầu nguyện đi!”
            “Làm sao mà tớ hiện hình cho cậu thấy, tớ chả thể nói ra. Tớ đã ngồi đây, vô hình cạnh cậu, từ lâu lắm rồi.”
            Đó không phải là ý dễ chịu cho lắm. Scrooge run lên, lau mồ hôi trán.
            “Phần tớ hết thật rồi,” Hồn ma nói tiếp. “Đêm nay tớ tới đây là để cảnh báo cậu, rằng vẫn còn một cơ hội, hi vọng thoát khỏi kiếp nạn như tớ. Cơ hội và hi vọng do tớ mang tới, Ebenezer ạ.”
            “Cậu luôn là bạn tốt của tớ,” Scrooge nói. “Cảm ơn nhé!”
            “Cậu sẽ bị,” Hồn ma nói tiếp, “ba hồn ma ám.”
            Mặt Scrooge xụ xuống gần bằng mặt Hồn ma.
            “Đó có phải là cơ hội và hi vọng mà cậu vừa nhắc tới không, Jacob?” lão hỏi bằng giọng ấp úng.
            “Chính nó.”
            “Tớ – tớ nghĩ mình không thích thế,” Scrooge bảo.
            “Nếu không gặp chúng,” Hồn ma đáp, “cậu không hi vọng tránh được con đường mà tớ đã đi đâu. Đợi gặp hồn ma đầu tiên lúc chuông nhà thờ đánh một giờ nhé.”
            “Tớ không gặp ba con một lúc cho xong được sao, hở Jacob?” Scrooge gợi ý.
            “Đợi gặp hồn ma thứ hai vào đêm tiếp theo cũng vào giờ ấy. Con thứ ba, đến vào đêm kế tiếp khi chuông nhà thờ vừa dứt tiếng thứ 12. Cậu không thấy tớ nữa đâu; và nhìn đi, vì mình đấy, nhớ những gì đã xảy ra giữa hai ta!”
            Nói xong những từ ấy, bóng ma lấy cái khăn để trên bàn, quấn quanh đầu như trước. Scrooge biết điều này qua tiếng lộc cộc mà răng rợ tạo ra khi đôi hàm được bó lại. Lão đánh bạo ngước mắt nhìn lần nữa, và thấy vị khách siêu nhiên đang đứng đối mặt với mình, người và tay bị xích quấn lấy.
           Hồn ma bước giật lùi; và mỗi bước nó đi, cửa sổ lại nâng lên một chút để khi nó vừa đến, thì cửa sổ mở toang. Nó ra hiệu cho Scrooge đến gần, và lão làm theo. Khi họ còn cách nhau hai bước, thì Hồn ma Marley giơ tay, bảo Scrooge không tiến lại gần hơn nữa. Scrooge ngừng lại.
            Chả phải do ngoan ngoãn, nghe lời mà là do ngạc nhiên, khiếp sợ, nên khi Marley giơ tay ra, Scrooge cảm nhận được những tiếng ồn lộn xộn trong không trung; những âm thanh rời rạc của lời than van, hối tiếc; tiếng khóc của niềm đau và sự tự buộc tội mình không thốt nên lời. Hồn ma, sau một hồi nghe ngóng, liền hòa vào khúc tang ca buồn thảm ấy; rồi trôi vào đêm tối đen ngòm, ảm đạm.
            Scrooge theo chân Hồn ma ra tới cửa sổ; lòng quá đỗi tò mò. Lão nhìn ra ngoài.
            Không trung đầy những hồn ma, bay lượn đó đây không ngừng nghỉ, vừa bay vừa khóc than. Mỗi con lại mang xích hệt như Hồn ma Marley; vài con (chúng có thể là đám quan chức phạm tội) còn bị xích lại với nhau; không con nào thoát cả. Nhiều con lúc còn sống trông rất quen với Scrooge. Lão nhận ra một con ma già mặc tấm áo chẽn màu trắng, đeo cái két sắt gắn vào khóa xích, đang khóc lóc thảm thiết vì không thể giúp một thiếu phụ bất hạnh, tay ẵm con nhỏ, đang ngồi nơi bậc thềm bên dưới. Điều đau khổ với chúng, rõ ràng là, vì lòng tốt, chúng muốn xen vào chuyện con người, nhưng chả còn đâu khả năng đó nữa.
            Scrooge chả thể nói là liệu mấy sinh vật này lẩn vào mây mù, hay mây mù che phủ chúng. Nhưng giọng nói và bản thân chúng cùng biến mất; và đêm lại trở lại như cũ khi lão quay gót vào nhà.
             Scrooge đóng cửa sổ lại, rồi xem xét cánh cửa mà Hồn ma Marley đã lướt qua. Nó được khóa hai vòng, y như lúc lão tự tay mình khóa lại, và chốt cửa còn y nguyên. Lão cố thốt ra hai từ “Bịp bợm!” nhưng chỉ được âm đầu tiên là im bặt. Và vì rúng động với chuyện vừa rồi, mệt mỏi vì làm cả ngày dài, hay do nhìn thấy cái Thế giới Vô hình kia, đối thoại nhạt phèo với Hồn ma nọ, cùng sự trễ nải của giờ giấc, mà lão thấy cần được nghỉ ngơi khủng khiếp, thế là lão lao vào giường, chả thèm cởi quần áo, lập tức lăn ra ngủ.
           


[1] Sàn giao dịch Hoàng gia nơi các thương nhân, ông chủ nhà băng thực hiện giao dịch buôn bán.
[2] Bánh pudding Giáng sinh hay pudding mận (mận vào thời tiền Victoria dùng để chỉ nho khô), hay đơn giản là pud, tức bánh dồi, vì được làm từ bột, trứng, trái cây khô nghiền và mỡ bò hay mỡ cừu trộn vào nhau, thỉnh thoảng còn có thêm mật đường, quế, nhục đậu khấu, đinh hương, gừng và các loại gia vị khác, rồi được nhồi vào túi vải (hoặc lòng như trường hợp black pudding – dồi huyết của người Ireland). Bánh được luộc khá lâu (thường là vài tiếng), và khi ăn thì rưới ít rượu ở đáy đĩa rồi đốt lên.
[3] Bedlam hay Bệnh viện Hoàng gia Bethlem, bệnh viện tâm thần đầu tiên ở Luân Đôn. Ý Scrooge nói là vào nhà thương điên.
[4] Luật ra đời dưới thời của Nữ hoàng Victoria, nhằm tạo điều kiện để hàng cứu trợ tới tay người nghèo được hiệu quả. Song luật ra đời chỉ làm sâu sắc thêm sự khác biệt giàu nghèo, và được thay bằng Luật người nghèo sửa đổi vào năm 1834.
[5] Dunstan là một họa sĩ, thợ kim hoàn, thợ rèn. Bị tòa án trục xuất, ông xây một nhà ngục gần nhà thờ Glastonbury và làm việc ở đó. Theo Thánh kinh, Quỷ sứ đã tới trò chuyện cùng ông. Ông vẫn nói trong khi rèn, tới khi cái kẹp trong tay mình đỏ rực cả lên, thì bất ngờ quay sang kẹp vào mũi Quỷ.
[6] 1 crown = 5 shilling hay 60 xu. Nửa đồng crown là 30 xu.
[7] Phố được đặt theo tên một chợ bán ngũ cốc không còn nữa (Cornhill nghĩa đen là Đồi Ngũ cốc).



Wednesday, November 20, 2013

Charles Dicken & 'A Christmas Carol' -- An introduction

Tác giả




Charles John Huffam Dickens (đọc là Xạc Đích-cần), sinh ngày 07-02-1812 mất ngày 09-06-1970, là nhà văn và phê bình xã hội người Anh. Ông đã sáng tạo ra vài nhân vật hư cấu đáng nhớ nhất trên thế giới và thường được xem là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thời Victoria. Suốt đời mình, các tác phẩm của ông luôn được công chúng hoan nghênh nhiệt nhiệt và trong suốt thế kỷ 20, tài năng văn chương của ông luôn được giới học giả, phê bình đánh giá cao. Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông rất nổi tiếng.

Sinh ra ở Portsmouth, Anh, ông bỏ học tới làm việc ở phân xưởng sau khi cha bị tống vào tù vì nợ nần. Dù ít được học hành, nhưng sớm sống trong nghèo khó nên ông đã thành công. Trong thời gian cầm bút, ông có 20 năm làm biên tập báo tuần, viết 15 cuốn tiểu thuyết dài, 5 cuốn tiểu thuyết ngắn, hàng trăm truyện ngắn, bài viết về người thật việc thật, vô vàn lần thuyết trình và biểu diễn, là một người biên thư không mệt mỏi, luôn vận động mạnh mẽ vì quyền trẻ em, giáo dục và các công cuộc cải cách xã hội khác.

Dickens bắt đầu nổi danh với loạt xuất bản năm 1836 cuốn Hồ sơ Pickwick. Qua vài năm ông trở thành minh tinh văn chương quốc tế, nổi tiếng vì sự hài hước, châm biếm, quan sát sắc sảo nhân vật và xã hội. Tiểu thuyết của ông, đa phần được xuất bản thành từng phần theo tuần và tháng, đã mở đường cho việc xuất bản hàng loạt truyện hư cấu, việc về sau trở thành mốt xuất bản tiểu thuyết thịnh hành thời Victoria. Bài vở in theo kiểu đó cho phép Dickens đánh giá phản ứng của độc giả, và ông thường thay đổi cốt truyện, sự phát triển của nhân vật dựa trên các phản hồi ấy. Ví dụ, khi bác sĩ chữa chân cho vợ ông tỏ ra buồn về cách Cô Mowcher trong truyện David Copperfield thể hiện sự ốm yếu tàn tật của mình, thì Dickens bèn cải cho nhân vật có thêm mấy đặc điểm tốt. Fagin trong truyện Oliver Twist là hình ảnh trung thực của tên oa trữ đồ gian danh tiếng Ikey Solomon; Còn biếm họa của ông về nhân vật Leigh Hunt qua hình dáng Ông Skimpole trong truyện Bleak House (Ngôi nhà hoang lạnh) thì sau lời khuyên từ vài người bạn đã đọc qua các phần trước, đã được ông gia giảm đôi chút. Cùng truyện đó, cả Lawrence Boythorne và Mooney quản giáo đều được rút ra từ đời thực – Boythorne tạo ra từ Walter Savage Landor còn Mooney từ ‘Looney’, một quản giáo tại trường Salisbury Square. Cốt truyện của ông được cấu kết cẩn thận, và Dickens thường thêu dệt cho truyện nhiều yếu tố lấy từ các sự kiện sắp xếp theo chủ đề. Nhiều người nghèo khó ít học bảo nhau góp nửa xu một để có được phần truyện mới ra hằng tháng, mở ra đọc và thế là tầng lớp độc giả mới ra đời.

Dickens được xem là gã khổng lồ văn chương vào thời ông. Cuốn tiểu thuyết ngắn xuất bản năm 1843 của ông, A Christmas Carol (Khúc ca Giáng sinh) là một trong số các tác phẩm có ảnh hưởng nhất từng được viết ra, và nó vẫn nổi tiếng, tiếp tục tạo cảm hứng cho các phiên bản phóng tác ở mọi thể loại nghệ thuật. Tài năng sáng tạo của ông được bạn bè nhà văn ca ngợi – từ Leo Tolstoy đến G.K.Chesterton lẫn George Orwell – về chủ nghĩa hiện thực, phong cách nghệ thuật, sự khắc họa nhân vật độc đáo, và phê bình xã hội sâu sắc. Mặt khác, các nhà văn như Oscar Wilde, Henry James và Virginia Woolf lại than phiền về sự thiếu chiều sâu tâm lý, cách hành văn lỏng lẻo, vẻ ủy mị ngọt ngào rõ rệt trong truyện của ông.

Tác phẩm 

KHÚC CA GIÁNG SINH

Dịch từ bản in năm 1905, do Công ty Baker & Taylor phát hành.



GIỚI THIỆU
Sự kết hợp giữa hiện thực và  lý tưởng chủ nghĩa mà Dickens sở hữu ở mức độ đáng kể, cùng thái độ vui vẻ tự nhiên mà ông dành cho cuộc sống nói chung, hình như giúp ông có cảm giác rất hạnh phúc với Giáng sinh, dù những khó khăn, thiếu thốn thời niên thiếu có thể khiến ông chỉ trải nghiệm thực tế ngày này thật ít ỏi.
            Dickens thể hiện những suy nghĩ chính thức đầu tiên về Giáng sinh của mình trong một loạt sách nhỏ, đầu tiên là truyện “Khúc ca Giáng sinh” nổi tiếng, một viên hoàng châu hoàn hảo. Sự thành công của cuốn sách đến ngay lập tức. Thackeray viết về nó như sau: “Ai lại đi nghe lời phản đối về cuốn sách này cơ chứ? Với tôi nó như là ích lợi quốc gia, là lòng tốt cá nhân dành tặng cho mọi người đàn ông lẫn đàn bà, những ai đọc nó.”
            Cuốn này tăng thêm phần hấp dẫn là nhờ tranh minh họa của John Leech, họa sĩ đầu tiên giúp các nhân vật trở nên sống động, và tranh ông rất phong phú, có hồn.
            Loạt truyện tiếp theo gồm có: “Chuông gió,” “Chú dế trên lò sưởi,” “Trận chiến cuộc đời,” “Người đàn ông bị quỷ ám” với tranh minh họa trong lần xuất bản đầu tiên của Doyle, Maclise, và những họa sĩ khác. Năm cuốn truyện này ngày nay được biết đến dưới cái tên “Sách truyện Giáng sinh”. Trong đó, “Khúc ca” là cuốn nổi tiếng và được yêu thích nhất, còn “Chú dế trên lò sưởi” dù là cuốn thứ ba nhưng nhận được sự nổi tiếng về nhì, và đặc biệt rất quen thuộc với người Mỹ qua cách diễn viên Joseph Jefferson khắc họa nhân vật Caleb Plummer.
            Dickens hình như đặt toàn bộ cái tôi của mình vào những câu chuyện nhỏ bé lấp lánh kia. Ai từng đọc “Khúc ca Giáng sinh” mà chỉ thấy ở đó một câu chuyện ma khôn khéo thì đã bỏ lỡ bài học và sự duyên dáng chính của nó, vì có một ý nghĩa khác trong hành động của Scrooge và các hồn ma đến thăm lão. Cuộc sống mới được mang đến cho Scrooge khi lão “chạy tới mở cửa sổ và thò đầu ra ngoài. Không sương khói, không mây mù; trời trong trẻo, sáng sủa, vui tươi, lạnh đến rúng động; lạnh khiến máu trong người muốn nhảy cả lên; Ánh mặt trời vàng óng; Bầu trời thiên đường; không khí trong lành ngọt lịm; chuông ngân vang. Ôi vinh quang! Huy hoàng thay!” Tất cả sự sáng chói ấy đều có cái bóng bên cạnh, và tận sâu trong trái tim ngây ngô kia vang lên nốt nhạc chân thật của tình thắm thiết, lời chúc đáng nhớ của Nhóc Tim, “Chúa phù hộ Chúng ta, Mọi người chúng ta!” Còn “Chú dế trên lò sưởi” lại vang lên nốt nhạc khác. Một cách mê mẩn, đầy chất thơ, tiếng rúc ngọt ngào của chú dế nhỏ có liên quan tới tình cảm, hành động của con người, và quyết định số phận, vận may của bác phu thồ hàng cùng vợ bác.
            Khắc họa nhân vật  là tài năng vĩ đại nhất của Dickens, và không nhà văn Anh nào, ngoại trừ Shakespeare, lại vẽ nên được nhiều nhân vật phong phú đến thế. Thật ngớ ngẩn khi diễn giải tất cả bọn họ thành những bức biếm họa hay phủ nhận khả năng sáng tạo phong phú, to lớn của Dickens. Dickens có phóng đại nhiều nhân vật châm biếm, hài hước, bởi đó là quyền của ông, vì châm biếm, giễu nhại rất gần nhau, trong khi phóng đại lại là hồn cốt của hài kịch. Song cũng có vô số nhân vật được khắc họa bởi sự hóm hỉnh, thắm thiết. Tuy nhiên Dickens có thể hiện bằng hình ảnh các nhân vật của mình theo hướng kệch cỡm. Các diễn giải truyện này đều nhằm loại đi phần kệch cỡm của bức biếm họa đó để hướng tới phần con người hơn. Nếu các diễn giải có vẻ tiểu thuyết, nếu Scrooge không như những gì đã được vẽ ra, thì đó là vì một Scrooge người hơn đã được mong đợi – một Scrooge không hoàn toàn xấu, một Scrooge có trái tim tốt đẹp hơn, một Scrooge mà sự hồi sinh trong truyện là khả dĩ. Đó là toàn bộ mục đích mà họa sĩ minh họa nhắm đến nhằm khiến những nhân vật này sống dưới hình thức phù hợp với kiểu người của họ hơn.

George Alfred Williams.
Chatham, N.J.


NỘI DUNG
Chương 1 – Hồn ma Marley
Chương 2 – Hồn ma đầu tiên
Chương 3 – Hồn ma thứ hai
Chương 4 – Hồn ma cuối cùng
Chương 5 – Kết cục

Các tranh minh họa
Tranh bìa – “Ông là ngựa quý của Tim suốt quãng đường từ nhà thờ về.”
Trang 14 – “Chúc bác Giáng Sinh vui vẻ! Chúa cứu vớt bác!” Một giọng nói vui vẻ cất lên.
Trang 26 – Im lặng ngồi nhìn vào cặp mắt đờ đẫn bất động ấy được một lúc, lão Scrooge chịu hết nổi.
Trang 36 – “Ngươi có nhớ đường không?” Hồn ma hỏi. “Nhớ á!” Lão Scrooge thảng thốt kêu lên. “Bị bịt mắt tôi cũng nhớ.”
Trang 38 – “Sao, Ali Baba á!” Scrooge ngầy ngật kêu lên. “Là lão Ali Baba già cả thành thực đáng mến á!”