Wednesday, December 25, 2013

Của thừa kế -- V.Woolf




CỦA THỪA KẾ
Virginia Woolf (1882-1941)
(Đã dịch và đăng trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 35-2002)


“Tặng Sissy Miller.” Gilbert Clandon, cầm chiếc ghim hoa ngọc trai ấy lên. Nó nằm giữa đống nhẫn và trâm cài vất bừa bãi trên bàn trang điểm nhỏ của vợ ông đặt ở phòng khách. Ông đọc thấy dòng chữ: “Tặng Sissy Miller, cùng tình yêu của tôi.”
Như thể Angela đã nhớ đến cả cô thư ký Miller của bà. Mà thật lạ, Gilbert Clandon nghĩ lại, sao bà ấy có thể để lại mọi thứ theo thứ tự được – tặng cho bất kỳ người bạn nào của bà một món quà nào đó. Như thể bà đã biết trước cái chết. Nhưng bà rất khỏe mạnh lúc rời nhà sáng hôm ấy, cách đây 6 tuần; lúc bà bước khỏi vỉa hè quảng trường Piccadilly và bị chiếc xe đụng phải.
Ông chờ cô Miller. Ông đã kêu cô đến; ông cảm thấy mình nợ cô sau từng ấy năm cô ở cạnh ông bà, một biểu hiện quan tâm. Đúng, ông nghĩ tiếp, thật lạ là Angela đã để lại mọi thứ theo thứ tự như thế. Mỗi người bạn được tặng một vật nhỏ biểu hiện tình cảm của bà. Mỗi chiếc nhẫn, vòng cổ, hộp Trung Quốc nho nhỏ – bà rất mê những chiếc hộp nhỏ – đều có một cái tên bên trên. Mà mỗi thứ đó đều gợi lên kỷ niệm trong ông. Cái này ông đã tặng bà; một con cá heo men sứ mắt bằng hồng ngọc – bà đã vồ lấy nó trên con phố thành Venice. Ông còn nhớ tiếng kêu nho nhỏ vui sướng của bà. Ông dĩ nhiên không được thừa kế món gì đặc biệt, ngoại trừ cuốn nhật ký. Một cuốn sách nhỏ có 15 phần, bìa bọc da màu xanh, đặt trước mặt ông trên bàn viết. Từ ngày họ lấy nhau, bà đã giữ cuốn nhật ký. Có một số chuyện – ông không nên gọi là cãi vã, đơn giản chỉ là chút xích mích – về cuốn sổ nhật ký này. Khi ông vào, bắt gặp bà đang viết, thì bà luôn đóng sập cuốn sổ lại và đặt tay lên. “Không, không, không” ông còn nhớ bà nói. “Có lẽ, chỉ sau khi em chết.” Thế là bà để lại nó cho ông, như của thừa kế. Nó là vật duy nhất hai người không chia sẻ khi bà còn sống. Nhưng ông vẫn cho rằng bà hẳn phải sống lâu hơn ông. Giá mà bà có thể dừng lại chỉ một giây, nghĩ về điều mình đang làm, chắc giờ bà vẫn còn sống. Nhưng bà đã bước ngay xuống vỉa hè, người tài xế khai lúc thẩm tra. Bà không cho anh ta cơ hội nào để kéo cần …… Tiếng nói tại toà vang lên làm gián đoạn dòng suy nghĩ của ông.
“Thưa ông, cô Miller,” người hầu gái thưa.
Cô bước vào. Ông chưa từng thấy cô một mình, và dĩ nhiên, lúc cô khóc. Cô rất buồn, cũng không có gì là ngạc nhiên. Angela đối đãi với cô còn hơn quan hệ chủ tớ. Cô đã là một người bạn. Đối với ông, ông nghĩ, khi ông đẩy ghế mời cô ngồi, cô là một người không khác những người cùng kiểu. Có hàng vạn cô Miller – những phụ nữ nhỏ nhắn buồn tẻ, mặc đồ đen, xách ca-táp. Nhưng Angela, với sự đồng cảm, đã nhìn ra những phẩm chất trong con người cô Miller. Cô có một tâm hồn kín đáo, rất lặng lẽ, đáng tin cậy, bất kỳ ai cũng có thể kể cho cô nghe điều gì. Đầu tiên cô Miller không nói. Cô ngồi đó chậm mắt bằng chiếc khăn tay. Rồi cô cố thốt lên.
“Xin thứ lỗi cho tôi, ông Clandon.” Ông lẩm bẩm. Dĩ nhiên là ông hiểu. Tự nhiên thôi. Ông đoán vợ mình có ý nghĩa như thế nào đối với cô.
“Tôi đã rất hạnh phúc ở nơi này,” cô nhìn quanh. Mắt cô dừng lại nơi chiếc bàn viết trước mặt ông. Nơi này họ đã từng làm việc – cô với Angela. Cô đã chia xẻ cùng Angela trách nhiệm đè nặng lên vai vợ của một chính trị gia lỗi lạc. Bà là sự giúp đỡ to lớn đối với ông trong nghề nghiệp của mình. Ông thường thấy bà và cô ngồi tại bàn này – cô gõ máy, đánh thành câu chữ những gì bà đọc lên. Chắc cô Miller cũng đang nghĩ thế. Giờ việc của ông là trao chiếc ghim hoa bà để lại cho cô. Dường như món quà không hợp. Lẽ ra nên để lại cho cô ta một món tiền, hay cái máy đánh chữ. Nhưng nó nằm đấy – với dòng chữ “Tặng Sissy Miller, cùng tình yêu của tôi.” Đưa cho cô chiếc ghim hoa, ông nói vài điều đã chuẩn bị trước. Rằng ông biết là cô sẽ trân trọng nó. Bà thường đeo nó … Cô trả lời, dường như cũng chuẩn bị trước, rằng nó luôn là vật quý giá cần gìn giữ… Cô ta có, ông nghĩ, nhiều quần áo mà chiếc ghim hoa này cài lên không hợp lắm. Cô đang mặc một bộ áo váy đen nhỏ, hình như là đồng phục nghề nghiệp của cô. Rồi ông nhớ là – cô đang buồn, dĩ nhiên. Cô ta cũng gặp một bi kịch – anh trai cô, người mà cô hết lòng yêu mến, đã chết chỉ một hai tuần trước Angela. Hình như trong một tai nạn? Ông không nhớ – Angela chỉ kể cho ông nghe. Angela, với sự thông cảm của mình, đã rất buồn. Lúc này cô Miller đứng dậy. Cô mang găng tay vào. Rõ là cô thấy không nên làm phiền nữa. Nhưng ông không thể để cô đi mà không nói gì về tương lai cô. Cô có kế hoạch gì? Ông có thể giúp gì cho cô không?
Cô nhìn chằm chằm vào chiếc bàn, nơi lúc trước đặt cái máy đánh chữ, giờ là chỗ quyển nhật ký nằm. Chìm trong ký ức về Angela, cô không trả lời đề nghị giúp đỡ của ông ngay. Dường như trong phút chốc cô có vẻ không hiểu. Vì thế ông nhắc lại:
“Cô có kế hoạch gì không, cô Miller?” “Kế hoạch của tôi? Ồ, được mà, ông Clandon,” cô trả lời. “Đừng phiền lòng vì tôi.”
Ông nghĩ ý cô là cô không cần sự giúp đỡ về tài chính. Thế tốt hơn, ông nghĩ, còn hơn là một đề nghị viết trong thư. Tất cả những gì ông có thể làm lúc này là nắm chặt tay cô, “Hãy nhớ, cô Miller, nếu cô cần bất cứ điều gì trong khả năng tôi có thể giúp, tôi sẽ rất hân hạnh …” Rồi ông mở cửa. Lúc tại ngưỡng cửa, hình như nhớ ra điều gì, cô dừng lại. “Ông Clandon,” cô nói, lần đầu tiên nhìn thẳng vào ông, và lần đầu tiên ông nhận thấy vẻ thông cảm, dù là dò xét trong mắt cô. “Bất cứ lúc nào,” cô nói tiếp, “có điều gì tôi có thể giúp ông, hãy nhớ là, vì vợ ông, tôi rất vui lòng …”
Rồi cô quay đi. Lời nói và cái nhìn của cô thật bất ngờ. Dường như cô tin, hay hi vọng là ông cần cô. Một ý tưởng điên rồ, tò mò nảy ra trong óc ông khi quay vào phòng. Có thể nào, trong suốt từng ấy năm trong khi ông không thèm để ý đến cô, thì cô, như các tiểu thuyết gia thường nói, đã ấp ủ một mối tình si với ông? Ông nhìn lại mình khi đi ngang chiếc gương. Ông đã hơn 50 tuổi; nhưng phải thú nhận rằng nhìn vào gương, ông vẫn còn rất điển trai.
“Tội nghiệp Sissy Miller!,” ông vừa cười vừa nói. Giá mà ông nói chuyện buồn cười này với bà nhỉ! Ông theo bản năng quay trở lại với cuốn nhật ký. “Gilbert,” ông lật bừa một trang “nhìn thật tuyệt…” Như thể bà trả lời ông vậy. Dĩ nhiên là Sissy Miller cũng thấy thế. Ông đọc tiếp. “Mình thật tự hào được làm vợ anh ấy!” Ông cũng luôn tự hào được làm chồng bà. Biết bao lần đi đâu đó ăn ngoài, ông nhìn bà và tự nhủ, “Cô ấy là người phụ nữ đáng yêu nhất ở đây!” Ông đọc tiếp. Năm đó ông tranh cử vào Quốc hội. Ông nói chuyện trước cử tri. “Khi Gilbert ngồi xuống, tiếng vỗ tay vang dội. Toàn thể cử toạ đứng dậy hát bài: ‘Anh là một người tốt bụng, vui tính’. Mình ngây ngất.” Ông cũng nhớ hôm đấy. Bà ngồi bên cạnh ông. Ông vẫn còn nhớ cái nhìn, và đôi mắt ngấn lệ của bà. Sau đó? Ông lật mấy trang. Họ đi Venice. Ông nhớ lại ngày nghỉ hạnh phúc sau cuộc bầu cử ấy. “Chúng tôi đi ăn kem ở Florians.” Ông cười – bà ấy cứ như trẻ con, vẫn còn thích kem. “Gilbert kể cho mình nghe phần lịch sử thú vị của thành Venice. Anh ấy kể rằng nhà Doge…” bà viết những dòng chữ với bàn tay của một cô học sinh. Một trong những niềm vui của Angela trong chuyến đi ấy là bà rất háo hức học hỏi. Mình rất dốt, bà thường nói thế, như thể đó không phải là một trong những nét dễ thương của bà vậy. Rồi – ông lật sang phần kế tiếp – họ đã trở về Luân Đôn. “Mình rất hồi hộp làm sao tạo một ấn tượng tốt. Mình mặc áo cưới.” Ông có thể thấy bà ngồi cạnh Sir Edward già; và đã chinh phục được tình cảm của ông cụ, thủ trưởng của ông. Ông đọc nhanh, từng hình ảnh một lướt qua trước mắt ông từ những mẩu văn rời rạc của bà. “Ăn tối tại Hạ nghị viện … Đến dự buổi tối ở Lovegrovers. Mình có nhận ra trách nhiệm của mình khi là vợ Gilbert, Lady L. đã hỏi mình” Rồi năm tháng trôi qua – ông lấy phần tiếp theo trên bàn – ông ngày càng đắm mình trong công việc. Và bà, dĩ nhiên, ở nhà nhiều hơn … Đó hẳn là một nỗi sầu khổ khi họ không có con. “Mình ước ao,” một mục viết, “giá mà Gilbert có một đứa con trai!” Kỳ lạ là ông đã chẳng bao giờ hối tiếc về chuyện này cả. Cuộc sống đã quá đủ đầy như bản thân nó thế rồi. Năm đó ông được bổ nhiệm vào một vị trí thứ yếu trong chính phủ. Chỉ là một vị trí thứ yếu, nhưng bà viết: “Mình chắc ảnh sẽ là Thủ tướng!” Ừ, nếu mọi việc khác đi, thì có lẽ đã thế rồi. Ông ngừng lại ngẫm nghĩ về những gì lẽ ra đã xảy ra. Chính trị như một ván cờ, ông nhớ lại; nhưng trò chơi chưa kết thúc. Chưa phải lúc 50 tuổi này. Ông lướt mắt nhanh lên các trang khác, đầy những chuyện lặt vặt, những chuyện hằng ngày, tầm thường, vui vẻ lấp đầy cuộc sống của bà.
Ông lấy một phần khác, lật đại ra xem. “Mình thật hèn nhát! Mình đã để cơ hội vuột mất. Nhưng thật là ích kỷ nếu làm phiền anh ấy bằng những chuyện của mình, khi mà anh có quá nhiều điều phải suy nghĩ rồi. Bọn mình ít khi có một buổi tối bên ngoài.” Nghĩa là sao? À, có lời giải thích đây – nó liên quan đến việc của bà ở khu East End. “Cuối cùng mình thu hết can đảm nói chuyện với Gilbert. Anh ấy thật tốt. Anh không ngăn cản gì cả.” Ông nhớ lại cuộc nói chuyện ấy. Bà nói bà thật nhàn tản, thật vô dụng. Bà muốn có công việc gì đó của riêng mình. Bà muốn làm gì đó – bà đã xấu hổ trông rất xinh, ông nhớ lại, khi ngồi nói về nó – làm gì đó giúp đỡ những người khác. Ông đã đùa bà một tí. Bộ bà không đủ bận rộn với việc chăm sóc ông, chăm sóc ngôi nhà này hay sao? Nhưng, nếu để bà vui, lẽ dĩ nhiên ông không ngăn cản. Nó là cái gì thế? Một quận? Một uỷ ban nào đó? Bà chỉ phải hứa là cố đừng bị bệnh. Rồi hình như cứ đến thứ tư hằng tuần bà đến Whitechapel ở khu East End. Ông nhớ là ông đã thấy ghét mấy bộ quần áo bà mặc mỗi dịp ấy đến thế nào. Nhưng hình như bà rất nghiêm túc về chuyện này. Quyển nhật ký đầy đặc những chuyện như: “gặp bà Jones …bà có 10 đứa con … chồng mất đi cánh tay trong một tai nạn … mình cố hết sức tìm việc cho Lily.” Ông bỏ qua. Tên ông xuất hiện thưa dần. Ông mất dần hứng thú. Một số mục chẳng có ý nghĩa gì với ông. Ví dụ: “Có cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội với B.M.” Ai là B.M? Ông không thể nghĩ ra tên của ai, chắc tên một phụ nữ mà bà gặp ở một ủy ban. “B.M lớn tiếng chống lại tầng lớp thượng lưu … Sau cuộc họp, mình cùng B.M đi bộ về nhà, và cố thuyết phục anh ta. Nhưng anh ta quá cứng đầu.” Vậy ra B.M là một người đàn ông – không nghi ngờ gì nữa, đây là một “trí thức”, như bọn họ tự xưng, người như Angela nói, quá là cứng đầu và khích động. Chắc là bà đã mời anh ta đến gặp mặt. “B.M đến ăn tối. Anh bắt tay với Minnie!” Câu này làm ông cố lục lọi trong đầu. B.M dường như không quen với hầu bàn nữ; anh ta đã bắt tay với Minnie. Có lẽ hắn là một trong những công nhân bị thuần phục chuyên đưa ra chính kiến của mình trong phòng khách của các quý bà. Gilbert biết bọn này, và không mảy may thích một mẫu người như thế, cho dù B.M là ai đi nữa. Lại hắn. “Đi chung với B.M đến tháp Luân Đôn … Anh nói cách mạng đang đến gần … Anh nói chúng ta đang sống trong một thiên đường lừa bịp.” Đấy chỉ là điều mà B.M nói – Gilbert có thể nghe thấy tiếng hắn. Ông cũng nhìn thấy rõ hắn – một thằng nhỏ thó, lùn xủn, râu ria lởm chởm, thắt cà vạt đỏ, chuyên mặc đồ tuýt như những đứa khác, những đứa chưa có lấy một ngày thực sự làm việc cật lực trong đời. Chắc Angela thấy gì ở hắn? Ông đọc tiếp. “B.M nói những chuyện không thể đồng tình về …” Cái tên được cẩn thận gạch bỏ. “Tôi nói với anh là tôi không thèm nghe những điều xỉ vả về …” Cái tên lại bị xoá. Có phải là tên ông không? Có phải đó là lý do tại sao Angela che đi trang này khi ông bước vào? Suy nghĩ này càng làm ông thấy ghét tên B.M. Hắn thật là xấc láo đã nói chuyện về ông trong căn phòng này. Tại sao Angela không bao giờ kể với ông? Thật không giống bà tí nào khi giấu giếm bất kỳ chuyện gì; bà có một tâm hồn trung thực. Ông lật sang trang, lựa ra những mục có cái tên B.M. “B.M kể cho tôi nghe về thời niên thiếu. Mẹ anh phụ việc nhà … Khi nghĩ về điều đó, tôi không thể chịu đựng cuộc sống xa hoa của mình … Ba ghi-nê một chiếc nón!” Giá mà bà nói chuyện này với ông, thay vì làm khổ cái đầu mình bằng những câu hỏi quá khó đến độ không hiểu được! Ông đã cho bà mượn sách. Karl Max, cách mạng đang đến. Cái tên B.M, B.M, B.M lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng tại sao không phải là một cái tên đầy đủ. Có cái gì thân thiện, gần gũi trong cách dùng hai chữ viết tắt này, không giống Angela tí nào. Bình thường bà có gọi hắn bằng cái tên B.M không? Ông đọc tiếp. “B.M bất ngờ đến sau bữa tối. May quá, tôi chỉ có một mình.” Đó chỉ mới một năm trước. “May quá” – tại sao lại may quá? – “tôi chỉ có một mình.” Ông ở đâu tối đó? Ông xem lại sổ làm việc của mình. Đó là buổi tối trước hôm dùng bữa ở nhà thị trưởng. Vậy là B.M và Angela đã ở một mình buổi tối hôm đó! Ông cố nhớ lại buổi tối. Bà có chờ ông về không? Căn phòng có gọn gàng như lúc bình thường không? Có cái ly nào trên bàn không? Ghế có kê gần nhau không? Ông chẳng thể nhớ điều gì – bất cứ điều gì, trừ bài diễn văn của ông tại nhà thị trưởng. Càng lúc nó càng không thể giải thích được – toàn bộ tình huống đó: vợ ông đón một người đàn ông không quen biết lúc ở nhà một mình. Chắc phần tiếp theo sẽ giải thích. Vội vàng ông với lấy phần cuối của quyển nhật ký – phần duy nhất bà chưa viết xong khi mất. Đây, ngay trang đầu, lại gã đàn ông đáng nguyền rủa đó. “Ăn tối một mình với B.M… Anh trở nên giận dữ. Anh nói đã đến lúc chúng tôi hiểu nhau… Tôi cố làm anh hiểu. Nhưng anh không nghe. Anh dọa rằng nếu tôi không …” phần còn lại của trang giấy bị ghi đè lên. Bà viết “Ai Cập, Ai Cập, Ai Cập” lên đầy trang. Ông không đọc ra chữ nào, nhưng có thể suy ra được: thằng đểu này đã hỏi cưới bà. Một mình trong phòng hắn! Máu dồn lên mặt Gilbert. Ông lật vội trang. Bà đã trả lời thế nào? Tên viết tắt đã biến mất. Thay vào đó chỉ còn là “anh”. “Anh lại đến. Tôi nói mình không thể đi đến quyết định … Tôi van anh hãy bỏ tôi.” Hắn đã ôm lấy bà trong căn nhà này. Nhưng sao bà không nói cho ông biết? Sao bà có thể chần chờ dù chỉ một giây phút? Rồi: “Tôi viết thư cho anh.” Mấy trang để trắng. Rồi: “Không có thư trả lời.” Thêm nhiều trang để trắng. Rồi: “Anh đã làm điều anh dọa.” Sau đó, cái gì xảy ra sau đó? Ông lật tới tấp. Chỉ toàn giấy trắng. Nhưng đây, trước ngày bà mất, là câu: “Mình có can đảm làm thế không?” Gilbert Clandon để rơi cuốn sổ. Ông có thể thấy bà trước mặt. Bà đứng đó, trên vỉa hè quảng trường Piccadilly. Mắt nhìn trừng trừng, tay nắm chặt. Một chiếc xe lao đến …
Không thể chịu đựng được nữa. Phải biết sự thật. Ông nhào đến máy điện thoại.
“Cô Miller!” Im lặng. Ông nghe tiếng người di chuyển trong phòng. “Miller nghe đây” – cuối cùng tiếng cô cất lên. “Ai,” ông gầm lên, “là B.M?”
Ông có thể nghe tiếng chiếc đồng hồ rẻ tiền gõ trên lò sưởi phòng cô; rồi một tiếng thở dài buồn bã. Cuối cùng cô nói:
“Đó là anh tôi.”
Hắn là anh cô ta, người đã tự tử. “Có điều gì,” ông nghe tiếng cô Miller hỏi, “tôi có thể giải thích không?”
“Không!” ông hét lên. “Không!” Ông đã nhận được của thừa kế của bà. Bà đã kể cho ông nghe sự thật. Bà đã bước xuống vệ đường ấy để đến với người yêu. Bà đã bước xuống để thoát khỏi ông.

Sunday, December 22, 2013

Mình nói gì khi nói về tình yêu -- R.Carver




Mình nói gì khi nói về tình yêu

Raymond Carver (1981)

1  Bạn tôi Mel McGinnis đang nói. Mel McGinnis là bác sĩ tim mạch, nên thỉnh thoảng việc đó cho anh cái quyền được nói.
Bốn đứa chúng tôi đang ngồi quanh bàn bếp nhà anh, uống rượu gin. Ánh mặt trời chiếu ngập phòng bếp, từ cánh cửa sổ to phía dưới bồn rửa. Có Mel, tôi, vợ thứ của anh, Teresa – hay Teri, như chúng tôi thường gọi – và vợ tôi, Laura. Khi đó chúng tôi sống ở Albuquerque. Nhưng cả đám đều từ nơi khác tới.
Có một xô đá để ở trên bàn. Rượu và nước tonic được chuyền tay nhau, và bằng cách nào đó chúng tôi bàn về đề tài tình yêu. Mel nghĩ tình yêu đích thực không gì khác hơn là tình yêu tôn giáo. Anh bảo mình đã mất 5 năm ở trường dòng trước khi bỏ đó sang học y. Anh bảo mình vẫn coi những năm tháng ở trường dòng là năm tháng quan trọng nhất đời.
Terri bảo, gã mà cô sống chung trước khi sống với Mel yêu cô nhiều đến nỗi hắn cứ cố giết cô. Rồi Terri bảo, “Một tối anh ấy đánh em. Anh ấy nắm cổ chân em, kéo lê khắp phòng khách. Anh ấy cứ lải nhải, “Anh yêu em, anh yêu em, nỡm ạ.” Anh ấy cứ kéo lê em đi khắp phòng. Đầu em đập vào đủ thứ đồ.” Terri nhìn quanh bàn. “Mọi người làm gì với tình yêu như thế chứ?”
5  Cô là một phụ nữ nhỏ xương, mặt đẹp, mắt đen, tóc hung để thả xuống lưng. Cô thích mấy cái vòng cổ làm bằng ngọc lam, và đám hoa tai dài, lủng lẳng.
“Chúa ơi, đừng ngốc thế. Đó không phải tình yêu, em biết mà,” Mel nói. “Tớ không biết các cậu gọi nó là gì, nhưng tớ chắc các cậu không gọi đó là tình yêu đâu.”
“Anh thích nói gì thì nói, nhưng em biết đó là tình yêu,” Terri đáp. “Nó có thể điên khùng đối với anh, nhưng nó đúng là tình yêu. Người ta khác nhau cả, Mel à. Chắc hẳn, thỉnh thoảng anh ấy hành xử hơi hâm. Được thôi. Nhưng anh ấy yêu em. Có thể theo cách của anh ấy, anh ấy yêu em. Có tình yêu ở đấy, Mel ạ. Đừng bảo là không chứ.”
Mel thở hắt ra. Anh cầm ly của mình lên, quay sang Laura và tôi. “Thằng ấy dọa giết tớ đấy,” Mel bảo. Anh cạn ly của mình rồi giơ tay lấy chai rượu. “Terri là kẻ lãng mạn. Terri thuộc loại đánh-em-đi-để-em-biết-anh-yêu-em. Terri, em yêu, đừng nhìn theo kiểu đó chứ.” Mel vươn người qua bàn, chạm tay vào má Terri. Anh nhe răng cười với cô.
“Giờ anh ấy muốn bịa chuyện đấy,” Terri bảo.
10 “Bịa cái gì mới được chứ?” Mel hỏi. “Có cái gì để bịa đâu? Anh biết điều mình biết mà. Vậy thôi.”
“Sao bọn mình lại bắt đầu bàn về cái đề tài này nhỉ?” Terri hỏi. Cô nhấc ly của mình lên uống. “Mel luôn nghĩ tới tình yêu,” cô bảo, “phải không, anh yêu?” Cô cười, và tôi nghĩ chuyện đến đấy là xong.
“Anh sẽ không gọi hành vi của Ed là yêu. Đó là tất cả những gì anh nói, em yêu ạ,” Mel đáp lại. “Các cậu thì sao?” Mel hỏi Laura và tôi. “Chuyện ấy với các cậu nghe có giống yêu không?”
“Cậu hỏi sai người rồi,” tôi đáp. “Tớ có biết thằng cha ấy đâu. Tớ cũng chỉ nghe qua tên hắn. Tớ không biết. Cậu phải biết chi tiết cụ thể mới nói được. Nhưng tớ nghĩ cái cậu bảo là yêu là thứ tình tuyệt đối rồi.”
Mel đáp, “Đúng là thứ tình tớ nói tới đấy. Thứ tình tớ nói tới là thứ tình cậu không cố giết ai cả.”
15 Laura bảo, “Em không biết tí gì về Ed, hay tí gì về chuyện này. Nhưng ai có thể đánh giá chuyện của người khác cơ chứ?”
Tôi chạm vào mu bàn tay Laura. Nàng khẽ mỉm cười với tôi. Tôi cầm tay Laura lên. Nó ấm áp, móng được cắt tỉa hoàn hảo, sơn xiếc đàng hoàng. Tôi nắm lấy cổ tay đầy đặn của nàng, rồi cầm lấy tay nàng.
“Khi em bỏ đi, thì anh ấy uống thuốc chuột.” Terri bảo. Cô choàng tay ôm lấy mình. “Người ta đưa anh ấy tới bệnh viện ở Same Fe. Đó là nơi lúc ấy bọn em sống, cách nhà khoảng 10 dặm. Họ cứu sống anh ấy. Nhưng lợi anh ấy hỏng hết. Ý em là chúng rời khỏi răng ấy. Sau đó, răng anh ấy nhe ra y như răng nanh vậy. Chúa ơi,” Terri bảo. Cô đợi một phút rồi buông tay ra, cầm ly lên.
“Có gì mà người ta không làm đâu!” Laura nói.
“Giờ thì hắn hết cục cựa rồi,” Mel bảo. “Hắn chết rồi.”
20 Mel đưa tôi đĩa chanh. Tôi lấy một miếng, vắt nó vào ly mình, rồi dùng tay khuấy đá lên.
“Chuyện còn tệ hại hơn,” Terri kể. “Anh ấy tự bắn vào mồm. Nhưng cũng làm hỏng nốt. Thật tội nghiệp cho Ed,” cô bảo. Rồi lắc đầu.
“Tội nghiệp gì chứ,” Mel bảo. “Hắn là kẻ nguy hiểm.”
Mel bốn mươi lăm tuổi. Anh cao, tóc xoăn mềm. Mặt và tay có màu nâu do anh chơi tennis. Khi anh tỉnh táo, thì cử chỉ, động tác của anh rất chính xác, cẩn thận.
“Dù gì thì anh ấy cũng yêu em, Mel ạ. Công nhận điều đó đi,” Terri bảo. “Đó là tất cả những gì em cần. Anh ấy không yêu em theo cách anh yêu em. Em không nói thế. Nhưng anh ấy có yêu em. Anh có thể công nhận điều đó với em không?”
25 “Ý em là gì, khi bảo hắn cũng làm hỏng nốt?” tôi hỏi.
Laura nghiêng người về phía ly của mình. Cô chống cùi tay lên bàn và cầm ly bằng cả hai tay. Cô liếc nhìn Mel rồi Terri và chờ đợi với cái nhìn bối rối trên gương mặt cởi mở, như thể kinh ngạc trước chuyện như thế lại xảy ra với người mà bạn thân thiết.
“Sao hắn tự tử mà làm hỏng cơ chứ?” tôi hỏi.
“Tớ sẽ kể cho các cậu nghe chuyện gì đã xảy ra,” Mel bảo. “Hắn lấy khẩu 20 ly hắn mua ra để dọa Terri và tớ. Ừ, tớ nói nghiêm túc đấy. Thằng ấy lúc nào chả đe với dọa. Các cậu hẳn phải thấy bọn tớ sống hồi ấy như thế nào. Y như tội phạm trốn chui trốn lủi ấy. Tớ thậm chí còn tự đi mua một khẩu súng. Các cậu có tin nổi chuyện đó không? Một thằng như tớ ấy? Nhưng thật đấy, tớ mua một khẩu về để tự vệ và bỏ nó trong ngăn để găng tay. Thỉnh thoảng tớ phải rời nhà lúc nửa đêm. Để tới bệnh viện, các cậu biết đấy? Terri và tớ lúc đó chưa cưới, mà mụ vợ đầu của tớ thì có nhà, có bọn nhỏ, con chó, và tất cả mọi thứ, còn Terri và tớ thì sống ở đây trong căn hộ này. Thỉnh thoảng, như tớ nói rồi đó, tớ nhận được điện thoại lúc nửa đêm và phải đi tới bệnh viện lúc hai ba giờ sáng. Trong ga-ra tối hù, và tớ toát cả mồ hôi trước khi bước được vào xe. Tớ không biết liệu hắn có từ bụi cây hay sau cái xe nào đó nhào ra rồi nã đạn hay không. Ý tớ là, thằng đó điên mà. Hắn có thể cho nổ bom, bất cứ thứ gì ấy chứ. Hắn từng gọi tới chỗ tớ làm bất kể giờ giấc, bảo là cần nói chuyện với bác sĩ, rồi khi tớ trả lời điện thoại thì hắn bảo, ‘Thằng chó, mày chẳng còn sống được bao lâu đâu.’ Mấy thứ nhỏ nhặt vậy đấy. Sợ lắm, tớ bảo cho các cậu biết.”
“Em vẫn thấy tiếc cho anh ấy,” Terri nói.
30 “Nghe như ác mộng vậy,” Laura bảo. “Nhưng chính xác chuyện gì xảy ra sau khi hắn tự bắn mình?”
Laura là thư ký luật sư. Bọn tôi gặp nhau nhờ quan hệ nghề nghiệp. Còn trước đó, quan hệ chỉ ở mức tìm hiểu. Nàng 35, trẻ hơn tôi 3 tuổi. Ngoài yêu ra, chúng tôi còn thích nhau và thích ở bên nhau. Nàng là người rất dễ chịu.
“Chuyện gì đã xảy ra?” Laura hỏi.
Mel bảo, “Hắn bắn vào mồm trong phòng riêng. Ai đó nghe thấy tiếng nổ và bảo với bên quản lý. Họ vội dùng chìa khóa chủ mở cửa xông vào, thấy những gì đã xảy ra, bèn gọi xe cấp cứu. Tớ tình cờ ở đó khi họ mang hắn tới, còn sống nhưng bất tỉnh. Thằng ấy sống được ba ngày. Đầu hắn sưng to gấp đôi đầu người thường. Tớ chưa bao giờ thấy thứ gì như thế, và hi vọng mình sẽ không bao giờ thấy lại cảnh đó. Terri muốn vào trong, ngồi với hắn khi biết chuyện. Bọn tớ đã cãi nhau về việc ấy. Tớ không nghĩ cô ấy nên gặp hắn trong tình trạng như thế. Tớ không nghĩ cô ấy nên gặp, và giờ tớ vẫn không nghĩ thế.”
“Cãi nhau rồi ai thắng?” Laura hỏi.
35 “Em ở trong phòng với anh ấy khi anh ấy mất,” Terri bảo. “Anh ấy không bao giờ tỉnh lại. Nhưng em đã ngồi với anh ấy. Anh ấy chả còn ai.”
“Hắn nguy hiểm lắm,” Mel bảo. “Nếu em gọi đó là tình yêu, thì giữ lấy mà yêu.”
“Đó là tình yêu,” Terri bảo. “Chắc chắn nó bất thường trong mắt nhiều người. Nhưng anh ấy sẵn sàng chết vì nó. Anh ấy đã chết vì nó.”
“Anh chắc mẩm sẽ không gọi đó là tình yêu,” Mel bảo. “Ý anh là, không ai biết hắn làm thế để làm gì. Anh từng thấy rất nhiều vụ tự tử, và anh không thể nói với bất cứ ai mình biết là họ làm thế để làm gì.”
Mel đặt tay lên gáy và ngả người ra sau ghế. “Anh không quan tâm tới loại tình yêu đó,” anh bảo. “Nếu đó là tình yêu, thì giữ lấy mà yêu.”
40 Terri bảo, “Bọn em e là Mel còn soạn cả di chúc và viết thư cho em mình ở California, cái tay từng làm lính Mũ nồi xanh ấy. Mel bảo nó chăm lo mọi việc nếu có gì xảy ra với mình.”
Terri uống ly của mình. Cô bảo, “Nhưng Mel nói đúng – bọn em sống y như tội phạm chui lủi ấy. Bọn em sợ. Mel sợ, phải không anh yêu? Em thậm chí có lúc còn gọi cho cảnh sát, nhưng họ chả giúp được gì. Họ bảo không thể làm gì cho tới khi Ed thật sự gây ra chuyện gì đó. Nghe có buồn cười không?” Terry hỏi.
Cô rót nốt chỗ rượu cuối cùng vào ly mình và lắc lắc cái chai. Mel đứng lên, đi về phía tủ buýp-phê. Anh lấy ra chai nữa.
“Ờ, Nick và tớ biết tình yêu là gì,” Laura bảo. “Với bọn tớ, ý tớ là thế,” Laura nói. Nàng đụng đầu gối mình vào đầu gối tôi. “Giờ anh nói gì đó đi chứ,” Laura bảo, rồi quay sang mỉm cười với tôi.
Để trả lời, tôi cầm tay Laura và đặt nó lên môi. Tôi hôn tay nàng thật kêu. Mọi người đều cười phá ra.
45 “Bọn tớ may ấy mà,” tôi bảo.
“Anh chị á,” Terri bảo. “Thôi đi. Anh chị làm em buồn nôn. Anh chị vẫn hưởng trăng mật, vì Chúa đấy. Anh chị vẫn u u mê mê, chưa khóc rống lên. Cứ đợi đấy. Anh chị ở bên nhau bao lâu rồi? Sống với nhau bao lâu rồi? Một năm? Hơn một năm?”
“Năm rưỡi rồi,” Laura đáp, mặt đỏ ửng miệng mỉm cười.
“Ồ, thế thì,” Terri bảo. “Đợi chút nhé.”
Cô cầm lấy ly của mình, chằm chằm nhìn Laura.
50 “Em đùa đấy,” Terri bảo.
Mel mở chai rượu rồi cầm nó đi quanh bàn.
“Này, mọi người,” anh bảo. “Nâng ly nào. Tớ muốn mời mọi người cụng ly. Cụng ly vì tình yêu. Vì tình yêu đích thực,” Mel bảo.
Chúng tôi cụng ly.
“Vì tình yêu,” chúng tôi hô.

55 Ngoài sân sau, một con trong số đám chó bắt đầu sủa. Lá của cây bạch dương nghiêng qua cửa sổ loạt xoạt chạm vào kính. Mặt trời chiều như hiện diện trong phòng, thứ ánh sáng thoải mái, độ lượng lan tràn khắp nơi. Chúng tôi hẳn có thể ở bất cứ đâu, nơi nào đó bị bỏ bùa mê. Chúng tôi lại nâng ly, nhăn nhở cười với nhau y như những đứa trẻ đồng ý về điều gì đấy bị cấm đoán.
“Tớ nói cho mọi người biết tình yêu đích thực là gì nhé,” Mel bảo. “Ý tớ là, tớ sẽ cho mọi người một ví dụ hay. Rồi mọi người tự rút ra kết luận.” Anh rót thêm rượu vào ly mình. Anh cho thêm vào đấy một viên đá và một lát chanh. Chúng tôi chờ đợi, nhấm nháp rượu của mình. Laura và tôi lại đụng đầu gối. Tôi đặt một tay lên chiếc đùi ấm áp của nàng và để yên ở đấy.
“Ai trong bọn mình thực sự biết gì về tình yêu nào?” Mel hỏi. “Với tớ hình như bọn mình chỉ là những kẻ tập tọe yêu. Bọn mình bảo yêu, thì đúng là yêu, tớ chẳng nghi ngờ gì về điều đó. Tớ yêu Terri, Terri yêu tớ, và hai cậu cũng yêu nhau. Các cậu biết kiểu tình yêu mà tớ đang nói tới. Tình yêu thể xác, cái xung lực đẩy cậu về phía ai đó đặc biệt, cũng như yêu mến sự tồn tại của kẻ khác, bản chất của chàng hay nàng ấy, như nó vốn thế. Tình yêu xác thịt và, ừ, cứ gọi nó là tình yêu cảm xúc đi, sự quan tâm hằng ngày tới kẻ khác. Nhưng thỉnh thoảng tớ gặp khó khăn trong việc giải thích sự thật là, tớ hẳn cũng đã yêu mụ vợ cả của mình. Tớ có yêu. Tớ biết mình có yêu cô ấy. Vậy nên tớ đồ rằng mình giống Terri ở điểm này. Terri và Ed ấy.” Anh nghĩ về điều đó rồi tiếp tục nói. “Có lúc tớ nghĩ mình yêu cô vợ đầu còn hơn cuộc sống ấy chứ. Nhưng giờ thì tớ thù cô ta. Các cậu giải thích chuyện này thế nào? Chuyện gì đã xảy ra với tình yêu đó? Chuyện gì đã xảy ra với nó, là điều tớ muốn biết. Tớ ước ai đó có thể nói cho tớ biết. Rồi Ed nữa. Ừ, ta quay lại với Ed nào. Hắn yêu Terri nhiều đến nỗi cố giết cô ấy rồi kết thúc bằng việc tự giết mình.” Mel ngừng nói và nuốt một ngụm rượu. “Các cậu đã ở bên nhau 18 tháng và các cậu yêu nhau. Nó hiện lên mặt các cậu. Các cậu tỏa ra điều đó. Nhưng hai cậu đều yêu người khác trước khi gặp nhau. Hai cậu từng kết hôn trước đó rồi, y như bọn tớ vậy. Và hai cậu trước đó cũng có thể đã yêu người khác rồi. Terri và tớ đã ở với nhau được năm năm, cưới nhau được bốn năm. Và điều tệ hại, điều tệ hại là, nhưng cũng là điều tốt lành, ơn huệ bù đắp, các cậu có thể bảo thế, là nếu có chuyện gì xảy ra với một trong hai đứa bọn tớ – xin lỗi đã nói thế – nhưng nếu ngày mai có chuyện gì xảy ra với một trong hai đứa bọn tớ, thì tớ nghĩ, người kia, người còn lại ấy, sẽ đau buồn một lúc, các cậu biết đấy, rồi người còn sống ấy sẽ lại đi ra ngoài, yêu tiếp, mau chóng có người khác thôi. Tất cả chuyện này, tất cả tình yêu mà bọn mình đang bàn luận này, nó sẽ chỉ là ký ức. Thậm chí cũng chả phải ký ức. Tớ nói sai à? Tớ tán bừa à? Vì tớ muốn các cậu chỉnh cho tớ nếu các cậu nghĩ tớ nói sai. Tớ muốn biết. Ý tớ là, tớ không biết gì hết, và tớ là người đầu tiên thú nhận điều này.”
“Mel, vì Chúa đấy,” Terri bảo. Cô vươn người tới, nắm lấy cổ tay chồng. “Anh say à? Anh yêu? Anh say à?”
“Em yêu, anh chỉ nói thôi.” Mel bảo. “Đúng không? Tớ không cứ phải say mới nói ra những gì mình nghĩ. Ý tớ là, ta chỉ nói thôi, đúng không?” Mel hỏi. Anh dán mắt vào vợ mình.
60 “Cưng ơi, em không bình luận gì đâu,” Terri bảo.
Cô cầm ly mình lên.
“Hôm nay tớ không trực,” Mel nói. “Để tớ nhắc các cậu về việc đó. Tớ không trực,” anh bảo.
“Mel, bọn em yêu anh mà,” Laura bảo.
Mel nhìn Laura. Anh nhìn cô như thể anh không nhớ ra cô, như thể cô không phải là mình.
65 “Anh cũng yêu em, Laura ạ,” Mel đáp. “Cả cậu nữa, Nick, tớ cũng yêu cậu luôn. Các cậu biết gì không?” Mel bảo. “Các cậu là bạn của bọn tớ,” Mel bảo. Anh cầm ly mình lên.
Mel nói, “Tớ sẽ kể cho các cậu nghe chuyện gì đó. Ý tớ là, tớ sắp chứng tỏ một điều. Các cậu thấy đó, chuyện này xảy ra vài tháng trước, nhưng giờ nó vẫn diễn ra, và nó khiến ta xấu hổ khi nói như thể, mình biết mình nói gì khi nói về tình yêu vậy.”
“Thôi nào,” Terri bảo. “Đừng nói như người say nếu anh không say đi.”
“Im miệng giùm anh, chỉ một lần trong đời,” Mel nói thật bình tĩnh, “Ừ em làm ơn im giùm anh, im một tẹo có được không? Như tớ nói đó, có đôi vợ chồng già bị đụng xe trên đường cao tốc liên bang. Một thằng nhóc tông phải họ, họ nát bét cả, và họ chả có mấy cơ hội để qua khỏi.”
70 Terri nhìn bọn tôi rồi nhìn sang Mel. Cô có vẻ lo lắng, hoặc là quá lo lắng.
Mel đưa chai rượu cho mọi người chuyền quanh bàn.
“Đêm đó tớ trực,” Mel bảo. “Là tháng Năm hay tháng Sáu gì đó. Terri và tớ mới ngồi vào bàn ăn tối thì bệnh viện gọi. Có chuyện xảy ra trên đường cao tốc liên bang. Thằng nhóc say, ủi luôn xe tải của bố nó vào cái xe đi cắm trại, bên trong có đôi vợ chồng già. Họ khoảng 75, 76 tuổi gì đó, đôi vợ chồng ấy đấy. Thằng nhóc – 18, 19 tuổi gì đó – chết trên đường tới viện. Bị tay lái xuyên qua xương ức. Đôi vợ chồng già, còn sống, các cậu hiểu không. Ý tớ là, thoi thóp thôi. Nhưng họ lãnh đủ. Đa chấn thương này, nội thương này, xuất huyết này, tụ huyết này, vết rách vết cắt này, đủ cả, mà mỗi người còn bị thương ở đầu nữa. Họ ở trong tình trạng tệ hại, tin tớ đi. Và, dĩ nhiên, tuổi tác chống lại họ. Tớ phải nói là bà ấy tệ hơn ông ấy nhiều. Dập lá lách cùng đủ các chấn thương khác. Hai xương bánh chè bị vỡ. Nhưng họ có thắt dây an toàn, và Chúa biết đấy, điều đó đã cứu sống họ.”
“Các bạn ơi, đây là quảng cáo cho Ban An toàn Quốc gia,” Terri bảo. “Đây là phát ngôn viên của các bạn, Bác sĩ Melvin R. McGinnis, đang nói.” Terri cười to. “Mel,” cô bảo, “thỉnh thoảng anh làm quá đấy. Nhưng em yêu anh, anh yêu ạ,” cô bảo.
“Em yêu, anh yêu em,” Mel đáp.
75 Anh nghiêng người qua bàn. Terri nghiêng tới gặp anh ở giữa. Họ hôn nhau.
“Terri nói đúng đấy,” Mel bảo sau khi ngồi ngay lại. “Thắt dây an toàn vào. Nhưng nghiêm túc thì, họ thuộc loại khỏe mạnh, hai ông bà già ấy đấy. Lúc tớ tới nơi, thì thằng nhóc toi rồi, như tớ nói rồi đó. Nó được đẩy vào một góc, trên cái xe cáng xếp. Tớ nhìn sang đôi vợ chồng già, rồi bảo cô y tá cấp cứu gọi ngay cho tớ một tay chuyên khoa thần kinh, một tay chuyên khoa chỉnh hình, và vài bác sĩ phẫu thuật.”
Anh uống ly của mình. “Tớ sẽ cố nói thật ngắn gọn,” anh bảo. “Vậy là bọn tớ mang họ đến phòng mổ, làm việc như điên gần hết đêm. Họ có sức lực dồi dào đến khó tin, cả hai người bọn họ ấy. Thi thoảng các cậu mới thấy một trường hợp như thế. Vậy là bọn tớ làm mọi thứ có thể, và tới sáng thì cho họ cơ hội 50-50, có thể ít hơn đối với bà ấy. Vậy là họ ở đó, sáng hôm sau vẫn sống nhăn răng. Rồi bọn tớ chuyển họ tới phòng chăm sóc đặc biệt, để họ ở đó với đám máy móc trong vòng hai tuần, rồi họ dần khá lên về mọi mặt. Thế là bọn tớ chuyển họ về phòng riêng.”
Mel ngừng nói. “Nào,” anh bảo, “mình uống nốt chỗ gin rẻ tiền này nhé. Rồi đi ăn tối, được không? Terri và tớ biết một quán mới. Đó là nơi bọn mình sẽ tới, tới nơi mới mà bọn tớ biết. Nhưng mình không đi được khi chưa cạn hết chỗ gin hạ giá, lởm khởm này.”
Terri bảo, “Bọn em thực ra chưa ăn ở chỗ ấy. Nhưng trông được lắm. Nhìn bên ngoài thôi, anh chị biết đấy.”
80 “Tớ thích đồ ăn,” Mel bảo. “Nếu làm lại từ đầu, tớ sẽ theo nghiệp bếp, các cậu biết không? Phải không nào, Terri?” Mel hỏi.
Anh cười to. Rồi lấy tay khuấy đá trong ly của mình.
“Terri biết đấy,” anh bảo. “Terri có thể kể cho các cậu nghe. Nhưng để tớ nói điều này. Nếu tớ có thể quay lại sống một cuộc sống khác, ở một thời đại khác, thì các cậu biết gì không? Tớ thích làm hiệp sĩ. Các cậu sẽ cực kỳ an toàn trong bộ áo giáp sắt. Làm hiệp sĩ rất ổn cho tới khi thuốc súng, hỏa mai, súng lục xuất hiện.”
“Mel sẽ cưỡi ngựa, cầm thương,” Terri bảo.
“Hoặc chỉ xách theo một cô nương,” Mel chêm vào.
85 “Nhục mặt chưa,” Laura bảo.
“Làm nông nô chả hay ho gì,” Mel bảo. “Nhưng tớ đoán hiệp sĩ cũng là đồ đựng cho ai đó. Chả phải thế sao? Nhưng thế thì mọi người đều là đồ đựng cho ai đó cả. Phải vậy không? Phải không Terri? Nhưng tớ thích đám hiệp sĩ, ngoài việc họ có mấy cô nương ra, thì họ có bộ giáp, các cậu biết đấy, và họ không dễ bị thương đâu. Các cậu biết đấy, hồi đó làm gì có xe hơi? Chả có thằng nhóc nào cày nát mông mình ra cả.”
“Đầy tớ,” Terri bảo.
90 “Gì cơ?” Mel hỏi lại.
“Đầy tớ,” Terri bảo. “Họ được gọi là đầy tớ, chứ không phải đồ đựng.”
“Đầy tớ, đồ đựng,” Mel bảo, “khác cái mẹ gì chứ? Dù sao em cũng hiểu ý anh mà. Được rồi,” Mel nói tiếp. “Ừ thì tôi không được học hành. Tôi học ba cái thứ vớ vẩn của mình, tôi là bác sĩ phẫu thuật tim, chắc luôn, nhưng chỉ là anh thợ mà thôi. Tôi xông bừa vào, khua khoắng nhặng xị, chỉnh sửa tùm lum. Mẹ kiếp,” Mel bảo.
“Khiêm tốn đâu có hợp với anh,” Terri bảo.
“Cậu ấy chỉ là thằng mổ xẻ quèn,” tôi bảo. “Nhưng Mel này, thỉnh thoảng họ cũng chết ngạt trong mớ áo giáp đấy. Họ thậm chí còn bị đau tim nếu trời nóng quá, hoặc lả đi nếu mệt quá. Tớ đọc đâu đó thấy là họ sẽ ngã xuống, không dậy nổi, vì mệt đến độ không đứng dậy được với mớ áo giáp mặc trên mình. Thỉnh thoảng họ còn bị chính ngựa của mình xéo lên nữa.”
“Thế thì tệ quá,” Mel bảo. “Một tên đầy tớ khác sẽ đến xiên cho thằng khốn ấy một thương nhân danh tình yêu. Hay vì thứ chết tiệt nào đó mà họ đấu đá nhau hồi ấy.”
“Những thứ tương tự mà vì chúng, bọn mình đấu đá nhau bây giờ.”
Laura bảo, “Chả có gì thay đổi cả.”
100 Má Laura ửng hồng. Mắt cô sáng rực. Cô cầm ly rượu đưa lên miệng.
Mel tự rót cho mình một ly nữa. Anh nhìn kỹ cái nhãn như thể đang xem một dãy số dài. Rồi anh chậm rãi đặt chai rượu xuống bàn, chậm rãi chìa tay ra lấy nước tonic.
“Còn đôi vợ chồng già thì sao?” Laura hỏi. “Anh chưa kể xong truyện mình khơi mào mà.”
Laura phải vất vả mới châm được thuốc hút. Diêm của cô cứ tắt hoài.
Ánh mặt trời trong phòng giờ khác hẳn, thay đổi, nhạt nhòa hơn. Nhưng đám lá bên ngoài cửa sổ vẫn lung linh, và tôi nhìn chằm chằm vào hoa văn mà chúng tạo ra trên tấm kính cửa và cái kệ bằng formica. Dĩ nhiên chúng có hoa văn khác nhau rồi.
105 “Còn đôi vợ chồng già thì sao?” Tôi hỏi.
“Già hơn nhưng khôn hơn,” Terri bảo.
Mel chằm chằm nhìn cô.
Terri bảo, “Tiếp tục chuyện của anh đi, anh yêu. Em chỉ đùa thôi. Rồi chuyện gì xảy ra?”
“Terri, thỉnh thoảng thôi nghe,” Mel bảo.
110 “Xin anh đấy, Mel,” Terri đáp. “Đừng có lúc nào cũng làm mặt nghiêm trọng thế, anh yêu. Bộ anh không đùa được sao?”
Anh cầm ly của mình lên và lừ lừ nhìn vợ.
“Chuyện gì xảy ra nào?” Laura hỏi.
Mel dán mắt vào Laura. Anh bảo, “Laura, nếu anh không có Terri và anh không yêu cô ấy nhiều đến thế, và nếu Nick không phải bạn thân nhất của anh, thì anh sẽ yêu em mất. Anh sẽ cuỗm em đi, cưng à,” anh nói.
115 “Kể chuyện của anh đi,” Terri bảo. “Rồi mình ra chỗ cái quán mới, được không?”
“Được,” Mel bảo. “Tớ kể đến đâu rồi?” anh hỏi. Anh nhìn chằm chằm vào cái bàn rồi bắt đầu nói lại.
“Ngày nào tớ cũng tới thăm từng người bọn họ, thỉnh thoảng còn thăm hai lần một ngày nếu tiện đường đến thăm luôn các ca khác. Bông băng bó bột, từ đầu tới chân, cả hai người bọn họ. Các cậu biết đấy, cảnh mà mọi người nhìn thấy trên phim ảnh ấy. Họ trông hệt như thế, hệt như trên phim ấy. Có mấy cái lỗ be bé ở mắt, mũi, miệng. Còn bà ấy thì chân cẳng treo ngược cả lên. Ờ, còn ông chồng thì rất buồn suốt một thời gian dài. Ngay cả khi biết vợ mình sẽ qua khỏi, ông ấy vẫn rất buồn. Dù sao cũng không phải về vụ tai nạn. Ý tớ là, tai nạn là một chuyện, nó không phải tất cả. Tớ ghé tai xuống lỗ mồm ông ta, các cậu biết đấy, và ông ta bảo, không, chính xác không phải là do tai nạn, mà là vì ông ấy không thể thấy bà ấy qua lỗ mắt của mình. Ông ấy bảo đó là điều làm ông ấy buồn, buồn lắm luôn. Các cậu có tưởng tượng nổi không? Tớ đang nói với các cậu đấy, là trái tim người đàn ông này tan vỡ vì ông ta không thể quay cái đầu chết tiệt của mình qua nhìn bà vợ chết tiệt của mình được.”
Mel nhìn quanh bàn, lắc đầu trước những gì mà mình sắp nói, “Ý tớ là, lão già cổ lỗ sĩ ấy đau lòng chỉ vì không thể nhìn thấy mụ vợ chết tiệt của mình.”
120 Chúng tôi đều nhìn Mel.
“Các cậu hiểu điều tớ nói chứ?” anh hỏi.
Có thể lúc ấy bọn tôi đã ngà ngà say. Tôi biết giữ cho mọi thứ được rõ ràng là khó lắm. Ánh sáng đã rút khỏi phòng, lùi về phía cửa sổ nơi nó tới. Song không ai thèm động đậy để đứng dậy bật đèn trần lên.
“Nghe này,” Mel bảo. “Mình làm nốt chỗ rượu gin chết tiệt này nhé. Chỗ này đủ cho tất cả chúng ta làm một lượt nữa đấy. Rồi mình đi ăn. Tới chỗ cái quán mới ấy.”
“Anh ấy rù rồi,” Terri bảo. “Mel, sao anh không đi lấy thuốc uống đi?”
125 Mel lắc đầu, “Anh uống mọi thứ thuốc hiện có rồi.”
“Thỉnh thoảng ai mà chả cần thuốc.” Tôi bảo.
“Vài người sinh ra đã cần tới thuốc rồi,” Terry đáp.
Cô dùng ngón tay chà xát thứ gì đó trên bàn. Rồi cô ngừng chà, “Anh nghĩ anh muốn gọi điện cho con anh,” Mel bảo. “Chuyện đó có ổn với mọi người không? Tớ sẽ gọi điện cho con tớ,” anh nói.
130 Terri bảo, “Nếu Marjorie trả lời điện thoại thì sao? Anh chị, anh chị nghe bọn em nói chuyện về Marjorie rồi phải không? Anh yêu, anh biết mình không muốn nói chuyện với Marjorie mà. Việc đó chỉ làm anh thấy tệ hơn thôi.”
“Anh không muốn nói chuyện với Marjorie,” Mel bảo. “Nhưng anh muốn nói chuyện với con anh.”
“Không ngày nào trôi qua mà Mel không nói là anh ấy ước chị ấy sớm lấy chồng mới. Không thì chết quách đi cho rồi,” Terri bảo. “Vì một điều,” Terri nói tiếp, “chị ấy làm bọn em trắng tay. Mel bảo chị ta không lấy chồng nữa là để trả thù anh ấy. Chị ta có bạn trai, sống cùng nhà với chị ta và bọn trẻ, thế là Mel cũng nuôi luôn thằng ấy.”
“Cô ta bị dị ứng với ong,” Mel bảo. “Nếu không cầu cho cô ta cưới lại, thì tớ cầu cho cô ta bị đàn ong chết tiệt nào đó đốt tới chết.”
“Nhục mặt chưa,” Laura bảo.
135 “Vù vù vù,” Mel kêu, đưa tay ra giả làm ong rồi bay vù vù về phía cổ Terri. Rồi anh thả hai tay xuống.
“Cô ta hiểm lắm,” Mel bảo. “Thỉnh thoảng tớ nghĩ mình sẽ ghé qua đó, ăn mặc như một tay nuôi ong. Các cậu biết đấy, đội cái mũ chụp có tấm mạng che mặt, đeo găng tay to xụ, mặc áo bông dày cộp ấy? Tớ sẽ gõ cửa rồi nhét một tổ ong vào nhà cô ta. Nhưng dĩ nhiên việc trước tiên cần làm là phải chắc bọn trẻ không có ở nhà.”
Anh ngồi bắt chéo chân. Có vẻ anh mất nhiều thời giờ để làm được việc đó. Rồi anh bỏ chân xuống, nghiêng người về phía trước, chống cùi chỏ lên bàn, hai tay chống cằm.
“Rốt cuộc, có lẽ tớ sẽ không gọi điện cho con mình. Có lẽ đó không phải ý tưởng hay ho gì cho lắm. Có lẽ mình chỉ đi ăn thôi. Thấy sao nào?”
“Với tớ thì được đấy,” tôi bảo. “Ăn hay không ăn. Hay uống tiếp. Tớ có thể lao đầu tới trước trong ánh hoàng hôn.”
140 “Thế là ý gì hả, anh yêu?” Laura hỏi.
“Là như anh nói đấy,” tôi bảo. “Là anh có thể uống tiếp. Ý là thế thôi.”
“Em thì muốn ăn chút gì đó,” Laura bảo. “Em không nghĩ mình từng đói thế này trong đời. Có thứ gì nhấm nháp được không?”
“Em sẽ dọn ít phó mát với bánh quy giòn,” Terri đáp.
Nhưng Terri cứ ngồi đó. Cô không đứng lên lấy gì cả.
145 Mel lật úp ly của mình xuống. Anh làm đổ rượu ra bàn.
“Gin hết rồi,” Mel bảo.
Terri hỏi, “Vậy giờ sao?”
Tôi có thể nghe thấy tim mình đập. Tôi có thể nghe thấy tim mọi người. Tôi có thể nghe thấy âm thanh con người mà chúng tôi tạo ra khi ngồi ở đó, không ai động đậy, cả khi căn phòng tối dần.