Wednesday, December 25, 2013

Của thừa kế -- V.Woolf




CỦA THỪA KẾ
Virginia Woolf (1882-1941)
(Đã dịch và đăng trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 35-2002)


“Tặng Sissy Miller.” Gilbert Clandon, cầm chiếc ghim hoa ngọc trai ấy lên. Nó nằm giữa đống nhẫn và trâm cài vất bừa bãi trên bàn trang điểm nhỏ của vợ ông đặt ở phòng khách. Ông đọc thấy dòng chữ: “Tặng Sissy Miller, cùng tình yêu của tôi.”
Như thể Angela đã nhớ đến cả cô thư ký Miller của bà. Mà thật lạ, Gilbert Clandon nghĩ lại, sao bà ấy có thể để lại mọi thứ theo thứ tự được – tặng cho bất kỳ người bạn nào của bà một món quà nào đó. Như thể bà đã biết trước cái chết. Nhưng bà rất khỏe mạnh lúc rời nhà sáng hôm ấy, cách đây 6 tuần; lúc bà bước khỏi vỉa hè quảng trường Piccadilly và bị chiếc xe đụng phải.
Ông chờ cô Miller. Ông đã kêu cô đến; ông cảm thấy mình nợ cô sau từng ấy năm cô ở cạnh ông bà, một biểu hiện quan tâm. Đúng, ông nghĩ tiếp, thật lạ là Angela đã để lại mọi thứ theo thứ tự như thế. Mỗi người bạn được tặng một vật nhỏ biểu hiện tình cảm của bà. Mỗi chiếc nhẫn, vòng cổ, hộp Trung Quốc nho nhỏ – bà rất mê những chiếc hộp nhỏ – đều có một cái tên bên trên. Mà mỗi thứ đó đều gợi lên kỷ niệm trong ông. Cái này ông đã tặng bà; một con cá heo men sứ mắt bằng hồng ngọc – bà đã vồ lấy nó trên con phố thành Venice. Ông còn nhớ tiếng kêu nho nhỏ vui sướng của bà. Ông dĩ nhiên không được thừa kế món gì đặc biệt, ngoại trừ cuốn nhật ký. Một cuốn sách nhỏ có 15 phần, bìa bọc da màu xanh, đặt trước mặt ông trên bàn viết. Từ ngày họ lấy nhau, bà đã giữ cuốn nhật ký. Có một số chuyện – ông không nên gọi là cãi vã, đơn giản chỉ là chút xích mích – về cuốn sổ nhật ký này. Khi ông vào, bắt gặp bà đang viết, thì bà luôn đóng sập cuốn sổ lại và đặt tay lên. “Không, không, không” ông còn nhớ bà nói. “Có lẽ, chỉ sau khi em chết.” Thế là bà để lại nó cho ông, như của thừa kế. Nó là vật duy nhất hai người không chia sẻ khi bà còn sống. Nhưng ông vẫn cho rằng bà hẳn phải sống lâu hơn ông. Giá mà bà có thể dừng lại chỉ một giây, nghĩ về điều mình đang làm, chắc giờ bà vẫn còn sống. Nhưng bà đã bước ngay xuống vỉa hè, người tài xế khai lúc thẩm tra. Bà không cho anh ta cơ hội nào để kéo cần …… Tiếng nói tại toà vang lên làm gián đoạn dòng suy nghĩ của ông.
“Thưa ông, cô Miller,” người hầu gái thưa.
Cô bước vào. Ông chưa từng thấy cô một mình, và dĩ nhiên, lúc cô khóc. Cô rất buồn, cũng không có gì là ngạc nhiên. Angela đối đãi với cô còn hơn quan hệ chủ tớ. Cô đã là một người bạn. Đối với ông, ông nghĩ, khi ông đẩy ghế mời cô ngồi, cô là một người không khác những người cùng kiểu. Có hàng vạn cô Miller – những phụ nữ nhỏ nhắn buồn tẻ, mặc đồ đen, xách ca-táp. Nhưng Angela, với sự đồng cảm, đã nhìn ra những phẩm chất trong con người cô Miller. Cô có một tâm hồn kín đáo, rất lặng lẽ, đáng tin cậy, bất kỳ ai cũng có thể kể cho cô nghe điều gì. Đầu tiên cô Miller không nói. Cô ngồi đó chậm mắt bằng chiếc khăn tay. Rồi cô cố thốt lên.
“Xin thứ lỗi cho tôi, ông Clandon.” Ông lẩm bẩm. Dĩ nhiên là ông hiểu. Tự nhiên thôi. Ông đoán vợ mình có ý nghĩa như thế nào đối với cô.
“Tôi đã rất hạnh phúc ở nơi này,” cô nhìn quanh. Mắt cô dừng lại nơi chiếc bàn viết trước mặt ông. Nơi này họ đã từng làm việc – cô với Angela. Cô đã chia xẻ cùng Angela trách nhiệm đè nặng lên vai vợ của một chính trị gia lỗi lạc. Bà là sự giúp đỡ to lớn đối với ông trong nghề nghiệp của mình. Ông thường thấy bà và cô ngồi tại bàn này – cô gõ máy, đánh thành câu chữ những gì bà đọc lên. Chắc cô Miller cũng đang nghĩ thế. Giờ việc của ông là trao chiếc ghim hoa bà để lại cho cô. Dường như món quà không hợp. Lẽ ra nên để lại cho cô ta một món tiền, hay cái máy đánh chữ. Nhưng nó nằm đấy – với dòng chữ “Tặng Sissy Miller, cùng tình yêu của tôi.” Đưa cho cô chiếc ghim hoa, ông nói vài điều đã chuẩn bị trước. Rằng ông biết là cô sẽ trân trọng nó. Bà thường đeo nó … Cô trả lời, dường như cũng chuẩn bị trước, rằng nó luôn là vật quý giá cần gìn giữ… Cô ta có, ông nghĩ, nhiều quần áo mà chiếc ghim hoa này cài lên không hợp lắm. Cô đang mặc một bộ áo váy đen nhỏ, hình như là đồng phục nghề nghiệp của cô. Rồi ông nhớ là – cô đang buồn, dĩ nhiên. Cô ta cũng gặp một bi kịch – anh trai cô, người mà cô hết lòng yêu mến, đã chết chỉ một hai tuần trước Angela. Hình như trong một tai nạn? Ông không nhớ – Angela chỉ kể cho ông nghe. Angela, với sự thông cảm của mình, đã rất buồn. Lúc này cô Miller đứng dậy. Cô mang găng tay vào. Rõ là cô thấy không nên làm phiền nữa. Nhưng ông không thể để cô đi mà không nói gì về tương lai cô. Cô có kế hoạch gì? Ông có thể giúp gì cho cô không?
Cô nhìn chằm chằm vào chiếc bàn, nơi lúc trước đặt cái máy đánh chữ, giờ là chỗ quyển nhật ký nằm. Chìm trong ký ức về Angela, cô không trả lời đề nghị giúp đỡ của ông ngay. Dường như trong phút chốc cô có vẻ không hiểu. Vì thế ông nhắc lại:
“Cô có kế hoạch gì không, cô Miller?” “Kế hoạch của tôi? Ồ, được mà, ông Clandon,” cô trả lời. “Đừng phiền lòng vì tôi.”
Ông nghĩ ý cô là cô không cần sự giúp đỡ về tài chính. Thế tốt hơn, ông nghĩ, còn hơn là một đề nghị viết trong thư. Tất cả những gì ông có thể làm lúc này là nắm chặt tay cô, “Hãy nhớ, cô Miller, nếu cô cần bất cứ điều gì trong khả năng tôi có thể giúp, tôi sẽ rất hân hạnh …” Rồi ông mở cửa. Lúc tại ngưỡng cửa, hình như nhớ ra điều gì, cô dừng lại. “Ông Clandon,” cô nói, lần đầu tiên nhìn thẳng vào ông, và lần đầu tiên ông nhận thấy vẻ thông cảm, dù là dò xét trong mắt cô. “Bất cứ lúc nào,” cô nói tiếp, “có điều gì tôi có thể giúp ông, hãy nhớ là, vì vợ ông, tôi rất vui lòng …”
Rồi cô quay đi. Lời nói và cái nhìn của cô thật bất ngờ. Dường như cô tin, hay hi vọng là ông cần cô. Một ý tưởng điên rồ, tò mò nảy ra trong óc ông khi quay vào phòng. Có thể nào, trong suốt từng ấy năm trong khi ông không thèm để ý đến cô, thì cô, như các tiểu thuyết gia thường nói, đã ấp ủ một mối tình si với ông? Ông nhìn lại mình khi đi ngang chiếc gương. Ông đã hơn 50 tuổi; nhưng phải thú nhận rằng nhìn vào gương, ông vẫn còn rất điển trai.
“Tội nghiệp Sissy Miller!,” ông vừa cười vừa nói. Giá mà ông nói chuyện buồn cười này với bà nhỉ! Ông theo bản năng quay trở lại với cuốn nhật ký. “Gilbert,” ông lật bừa một trang “nhìn thật tuyệt…” Như thể bà trả lời ông vậy. Dĩ nhiên là Sissy Miller cũng thấy thế. Ông đọc tiếp. “Mình thật tự hào được làm vợ anh ấy!” Ông cũng luôn tự hào được làm chồng bà. Biết bao lần đi đâu đó ăn ngoài, ông nhìn bà và tự nhủ, “Cô ấy là người phụ nữ đáng yêu nhất ở đây!” Ông đọc tiếp. Năm đó ông tranh cử vào Quốc hội. Ông nói chuyện trước cử tri. “Khi Gilbert ngồi xuống, tiếng vỗ tay vang dội. Toàn thể cử toạ đứng dậy hát bài: ‘Anh là một người tốt bụng, vui tính’. Mình ngây ngất.” Ông cũng nhớ hôm đấy. Bà ngồi bên cạnh ông. Ông vẫn còn nhớ cái nhìn, và đôi mắt ngấn lệ của bà. Sau đó? Ông lật mấy trang. Họ đi Venice. Ông nhớ lại ngày nghỉ hạnh phúc sau cuộc bầu cử ấy. “Chúng tôi đi ăn kem ở Florians.” Ông cười – bà ấy cứ như trẻ con, vẫn còn thích kem. “Gilbert kể cho mình nghe phần lịch sử thú vị của thành Venice. Anh ấy kể rằng nhà Doge…” bà viết những dòng chữ với bàn tay của một cô học sinh. Một trong những niềm vui của Angela trong chuyến đi ấy là bà rất háo hức học hỏi. Mình rất dốt, bà thường nói thế, như thể đó không phải là một trong những nét dễ thương của bà vậy. Rồi – ông lật sang phần kế tiếp – họ đã trở về Luân Đôn. “Mình rất hồi hộp làm sao tạo một ấn tượng tốt. Mình mặc áo cưới.” Ông có thể thấy bà ngồi cạnh Sir Edward già; và đã chinh phục được tình cảm của ông cụ, thủ trưởng của ông. Ông đọc nhanh, từng hình ảnh một lướt qua trước mắt ông từ những mẩu văn rời rạc của bà. “Ăn tối tại Hạ nghị viện … Đến dự buổi tối ở Lovegrovers. Mình có nhận ra trách nhiệm của mình khi là vợ Gilbert, Lady L. đã hỏi mình” Rồi năm tháng trôi qua – ông lấy phần tiếp theo trên bàn – ông ngày càng đắm mình trong công việc. Và bà, dĩ nhiên, ở nhà nhiều hơn … Đó hẳn là một nỗi sầu khổ khi họ không có con. “Mình ước ao,” một mục viết, “giá mà Gilbert có một đứa con trai!” Kỳ lạ là ông đã chẳng bao giờ hối tiếc về chuyện này cả. Cuộc sống đã quá đủ đầy như bản thân nó thế rồi. Năm đó ông được bổ nhiệm vào một vị trí thứ yếu trong chính phủ. Chỉ là một vị trí thứ yếu, nhưng bà viết: “Mình chắc ảnh sẽ là Thủ tướng!” Ừ, nếu mọi việc khác đi, thì có lẽ đã thế rồi. Ông ngừng lại ngẫm nghĩ về những gì lẽ ra đã xảy ra. Chính trị như một ván cờ, ông nhớ lại; nhưng trò chơi chưa kết thúc. Chưa phải lúc 50 tuổi này. Ông lướt mắt nhanh lên các trang khác, đầy những chuyện lặt vặt, những chuyện hằng ngày, tầm thường, vui vẻ lấp đầy cuộc sống của bà.
Ông lấy một phần khác, lật đại ra xem. “Mình thật hèn nhát! Mình đã để cơ hội vuột mất. Nhưng thật là ích kỷ nếu làm phiền anh ấy bằng những chuyện của mình, khi mà anh có quá nhiều điều phải suy nghĩ rồi. Bọn mình ít khi có một buổi tối bên ngoài.” Nghĩa là sao? À, có lời giải thích đây – nó liên quan đến việc của bà ở khu East End. “Cuối cùng mình thu hết can đảm nói chuyện với Gilbert. Anh ấy thật tốt. Anh không ngăn cản gì cả.” Ông nhớ lại cuộc nói chuyện ấy. Bà nói bà thật nhàn tản, thật vô dụng. Bà muốn có công việc gì đó của riêng mình. Bà muốn làm gì đó – bà đã xấu hổ trông rất xinh, ông nhớ lại, khi ngồi nói về nó – làm gì đó giúp đỡ những người khác. Ông đã đùa bà một tí. Bộ bà không đủ bận rộn với việc chăm sóc ông, chăm sóc ngôi nhà này hay sao? Nhưng, nếu để bà vui, lẽ dĩ nhiên ông không ngăn cản. Nó là cái gì thế? Một quận? Một uỷ ban nào đó? Bà chỉ phải hứa là cố đừng bị bệnh. Rồi hình như cứ đến thứ tư hằng tuần bà đến Whitechapel ở khu East End. Ông nhớ là ông đã thấy ghét mấy bộ quần áo bà mặc mỗi dịp ấy đến thế nào. Nhưng hình như bà rất nghiêm túc về chuyện này. Quyển nhật ký đầy đặc những chuyện như: “gặp bà Jones …bà có 10 đứa con … chồng mất đi cánh tay trong một tai nạn … mình cố hết sức tìm việc cho Lily.” Ông bỏ qua. Tên ông xuất hiện thưa dần. Ông mất dần hứng thú. Một số mục chẳng có ý nghĩa gì với ông. Ví dụ: “Có cuộc tranh luận về chủ nghĩa xã hội với B.M.” Ai là B.M? Ông không thể nghĩ ra tên của ai, chắc tên một phụ nữ mà bà gặp ở một ủy ban. “B.M lớn tiếng chống lại tầng lớp thượng lưu … Sau cuộc họp, mình cùng B.M đi bộ về nhà, và cố thuyết phục anh ta. Nhưng anh ta quá cứng đầu.” Vậy ra B.M là một người đàn ông – không nghi ngờ gì nữa, đây là một “trí thức”, như bọn họ tự xưng, người như Angela nói, quá là cứng đầu và khích động. Chắc là bà đã mời anh ta đến gặp mặt. “B.M đến ăn tối. Anh bắt tay với Minnie!” Câu này làm ông cố lục lọi trong đầu. B.M dường như không quen với hầu bàn nữ; anh ta đã bắt tay với Minnie. Có lẽ hắn là một trong những công nhân bị thuần phục chuyên đưa ra chính kiến của mình trong phòng khách của các quý bà. Gilbert biết bọn này, và không mảy may thích một mẫu người như thế, cho dù B.M là ai đi nữa. Lại hắn. “Đi chung với B.M đến tháp Luân Đôn … Anh nói cách mạng đang đến gần … Anh nói chúng ta đang sống trong một thiên đường lừa bịp.” Đấy chỉ là điều mà B.M nói – Gilbert có thể nghe thấy tiếng hắn. Ông cũng nhìn thấy rõ hắn – một thằng nhỏ thó, lùn xủn, râu ria lởm chởm, thắt cà vạt đỏ, chuyên mặc đồ tuýt như những đứa khác, những đứa chưa có lấy một ngày thực sự làm việc cật lực trong đời. Chắc Angela thấy gì ở hắn? Ông đọc tiếp. “B.M nói những chuyện không thể đồng tình về …” Cái tên được cẩn thận gạch bỏ. “Tôi nói với anh là tôi không thèm nghe những điều xỉ vả về …” Cái tên lại bị xoá. Có phải là tên ông không? Có phải đó là lý do tại sao Angela che đi trang này khi ông bước vào? Suy nghĩ này càng làm ông thấy ghét tên B.M. Hắn thật là xấc láo đã nói chuyện về ông trong căn phòng này. Tại sao Angela không bao giờ kể với ông? Thật không giống bà tí nào khi giấu giếm bất kỳ chuyện gì; bà có một tâm hồn trung thực. Ông lật sang trang, lựa ra những mục có cái tên B.M. “B.M kể cho tôi nghe về thời niên thiếu. Mẹ anh phụ việc nhà … Khi nghĩ về điều đó, tôi không thể chịu đựng cuộc sống xa hoa của mình … Ba ghi-nê một chiếc nón!” Giá mà bà nói chuyện này với ông, thay vì làm khổ cái đầu mình bằng những câu hỏi quá khó đến độ không hiểu được! Ông đã cho bà mượn sách. Karl Max, cách mạng đang đến. Cái tên B.M, B.M, B.M lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng tại sao không phải là một cái tên đầy đủ. Có cái gì thân thiện, gần gũi trong cách dùng hai chữ viết tắt này, không giống Angela tí nào. Bình thường bà có gọi hắn bằng cái tên B.M không? Ông đọc tiếp. “B.M bất ngờ đến sau bữa tối. May quá, tôi chỉ có một mình.” Đó chỉ mới một năm trước. “May quá” – tại sao lại may quá? – “tôi chỉ có một mình.” Ông ở đâu tối đó? Ông xem lại sổ làm việc của mình. Đó là buổi tối trước hôm dùng bữa ở nhà thị trưởng. Vậy là B.M và Angela đã ở một mình buổi tối hôm đó! Ông cố nhớ lại buổi tối. Bà có chờ ông về không? Căn phòng có gọn gàng như lúc bình thường không? Có cái ly nào trên bàn không? Ghế có kê gần nhau không? Ông chẳng thể nhớ điều gì – bất cứ điều gì, trừ bài diễn văn của ông tại nhà thị trưởng. Càng lúc nó càng không thể giải thích được – toàn bộ tình huống đó: vợ ông đón một người đàn ông không quen biết lúc ở nhà một mình. Chắc phần tiếp theo sẽ giải thích. Vội vàng ông với lấy phần cuối của quyển nhật ký – phần duy nhất bà chưa viết xong khi mất. Đây, ngay trang đầu, lại gã đàn ông đáng nguyền rủa đó. “Ăn tối một mình với B.M… Anh trở nên giận dữ. Anh nói đã đến lúc chúng tôi hiểu nhau… Tôi cố làm anh hiểu. Nhưng anh không nghe. Anh dọa rằng nếu tôi không …” phần còn lại của trang giấy bị ghi đè lên. Bà viết “Ai Cập, Ai Cập, Ai Cập” lên đầy trang. Ông không đọc ra chữ nào, nhưng có thể suy ra được: thằng đểu này đã hỏi cưới bà. Một mình trong phòng hắn! Máu dồn lên mặt Gilbert. Ông lật vội trang. Bà đã trả lời thế nào? Tên viết tắt đã biến mất. Thay vào đó chỉ còn là “anh”. “Anh lại đến. Tôi nói mình không thể đi đến quyết định … Tôi van anh hãy bỏ tôi.” Hắn đã ôm lấy bà trong căn nhà này. Nhưng sao bà không nói cho ông biết? Sao bà có thể chần chờ dù chỉ một giây phút? Rồi: “Tôi viết thư cho anh.” Mấy trang để trắng. Rồi: “Không có thư trả lời.” Thêm nhiều trang để trắng. Rồi: “Anh đã làm điều anh dọa.” Sau đó, cái gì xảy ra sau đó? Ông lật tới tấp. Chỉ toàn giấy trắng. Nhưng đây, trước ngày bà mất, là câu: “Mình có can đảm làm thế không?” Gilbert Clandon để rơi cuốn sổ. Ông có thể thấy bà trước mặt. Bà đứng đó, trên vỉa hè quảng trường Piccadilly. Mắt nhìn trừng trừng, tay nắm chặt. Một chiếc xe lao đến …
Không thể chịu đựng được nữa. Phải biết sự thật. Ông nhào đến máy điện thoại.
“Cô Miller!” Im lặng. Ông nghe tiếng người di chuyển trong phòng. “Miller nghe đây” – cuối cùng tiếng cô cất lên. “Ai,” ông gầm lên, “là B.M?”
Ông có thể nghe tiếng chiếc đồng hồ rẻ tiền gõ trên lò sưởi phòng cô; rồi một tiếng thở dài buồn bã. Cuối cùng cô nói:
“Đó là anh tôi.”
Hắn là anh cô ta, người đã tự tử. “Có điều gì,” ông nghe tiếng cô Miller hỏi, “tôi có thể giải thích không?”
“Không!” ông hét lên. “Không!” Ông đã nhận được của thừa kế của bà. Bà đã kể cho ông nghe sự thật. Bà đã bước xuống vệ đường ấy để đến với người yêu. Bà đã bước xuống để thoát khỏi ông.

No comments:

Post a Comment