Tuesday, October 8, 2013

Matilda -- Chapter 7



CÔ HONEY

           Matilda đi học hơi trễ. Hầu hết trẻ em bắt đầu học Tiểu học ở độ tuổi lên 5 hay thậm chí là trước đó, nhưng bố mẹ Matilda, những người không kiểu này thì kiểu khác không quan tâm mấy tới việc giáo dục con gái mình, đã quên béng chuyện sắp xếp cho cô đi học từ trước. Vậy nên khi bắt đầu đi học, cô bé đã 5 tuổi rưỡi.
            Trường làng dành cho bọn trẻ là tòa nhà bằng gạch u ám, có tên là Trường Tiểu học Crunchem Hall (Sảnh đường Nghiền ra tép). Có 250 học sinh ở đó, tuổi từ 5 tới 12. Hiệu trưởng, sếp sòng, vị thống lĩnh tối cao của ngôi trường là một quý bà trung niên ghê gớm, có tên là Bà Truchbull (Bò giã).
            Đương nhiên Matilda bị xếp vào lớp cuối cùng, lớp có 18 đứa con trai con gái nhỏ nhít ở cùng độ tuổi với cô. Giáo viên của chúng là Cô Honey (Mật ngọt), và cô chưa tới 23, 24 tuổi. Cô có một gương mặt trái xoan xanh xao thánh thiện, đôi mắt xanh, và mái tóc màu nâu nhạt. Thân hình của cô gầy gò và mỏng manh đến độ người ta có cảm giác, nếu ngã, cô sẽ vỡ tan ra thành muôn nghìn mảnh, hệt như một món đồ sứ vậy.
            Cô Jennifer Honey là người trầm tĩnh, dịu dàng, người không bao giờ lớn tiếng và rất hiếm khi cười, nhưng rõ ràng cô sở hữu một năng khiếu quý báu – đó là khiến mọi đứa trẻ dưới bàn tay chăm sóc của cô đều quý mến cô. Cô dường như hoàn toàn hiểu được sự hoang mang, sợ sệt thường bao trùm lên bọn trẻ khi chúng lần đầu tiên trong đời bị lùa vào lớp học và bảo phải nghe lời. Một sự ấm áp lạ lùng gần như hữu hình nào đó tỏa ra từ gương mặt của Cô Honey khi cô nói chuyện với đám học trò mới toe đang nhớ nhà và bối rối.
            Bà Trunchbull, hiệu trưởng trường, lại là người khác hẳn. Bà là một kẻ đáng sợ khổng lồ, một con quái vật hung bạo, người khiến học sinh lẫn giáo viên đều kinh hồn bạt vía. Có một quầng tối đe dọa soi rọi quanh bà, ngay từ đằng xa, và khi bà tới gần thì bạn có thể cảm thấy sức nóng nguy hiểm từ bà tỏa ra, hệt như từ một thanh kim loại đỏ rực vậy. Khi đi, Bà Truchbull không bao giờ nhẹ bước, mà dậm chân bình bịch hệt tay lính xung kích, với chân vươn dài và tay vung cao. Khi bà diễu dọc hành lang, bạn có thể nghe thấy tiếng bà khụt khịt khi đi, và nếu một đám trẻ tình cờ léo hánh trên đường bà đi, thì bà sẽ cày qua chúng, hệt một chiếc xe tăng, còn bọn người nhỏ thó kia sẽ dạt hết sang tay phải tay trái của bà. Ơn trời trên đời này chúng ta không gặp nhiều người như bà, dù họ thực sự tồn tại và tất thảy chúng ta đều có thể chạm trán ít nhất một người trong số họ một lần trong đời. Nếu bạn từng gặp người như thế, bạn nên xử sự như thể mình gặp một con tê giác giận dữ đang lao ra khỏi bụi rậm, tức leo ngay lên cái cây nào gần nhất và ở đó cho tới lúc nó bỏ đi. Người phụ nữ này, tất cả từ hình dáng tới tâm tính lập dị của bà ta, thật khó có thể mô tả, nhưng tôi sẽ cố làm thế, một chút ở phần sau. Giờ ta nên rời bà ta trong giây lát để quay lại với Matilda và ngày đầu tiên của cô trong lớp học của Cô Honey.
            Sau thủ tục thông thường là xem qua tất cả tên tuổi bọn trẻ, Cô Honey phát cho mỗi đứa một quyển bài tập mới tinh.
            “Cô hi vọng các em đều mang theo bút chì của mình,” cô nói.
            “Vâng ạ, thưa Cô Honey,” bọn chúng đồng thanh đáp.
            “Tốt. Đây là ngày đầu tiên các em ở trường. Đó cũng là khởi đầu của ít nhất 11 năm dài học tập mà tất cả các em phải trải qua. Và 6 năm trong số đó các em sẽ ở đây, dưới mái trường Crunchem Hall này, nơi, như các em biết đó, có cô hiệu trưởng là Bà Trunchbull. Vì điều tốt cho các em, để cô kể đôi chút cho các em nghe về Bà Truchbull. Bà ấy áp đặt kỷ luật hà khắc lên ngôi trường này, và nếu các em lắng nghe lời cô khuyên, thì tốt nhất các em nên cư xử phải phép khi có mặt bà ấy. Đừng tranh luận. Đừng cãi giả. Luôn làm theo những gì bà ấy bảo. Nếu các em đứng về phía chống đối, thì Bà Trunchbull có thể nghiền nát các em như cái máy xay nhà bếp nghiền cà rốt vậy. Chẳng có gì để cười cả đâu, Lavender. Các em biết khôn thì nên nhớ là Bà Trunchbull cư xử rất, rất hà khắc với những ai dám vượt rào ở trường này. Các em đã hiểu cả chưa?”
            “Dạ rồi, thưa Cô Honey,” mười tám giọng nói nhỏ nhít háo hức líu ríu đáp.
            “Bản thân cô,” Cô Honey tiếp lời, “muốn giúp các em học được ở lớp càng nhiều càng tốt. Đó là vì cô biết điều ấy sẽ giúp mọi thứ dễ dàng hơn cho các em sau này. Ví dụ, từ giờ tới cuối tuần, cô mong mỗi em sẽ thuộc bảng cửu chương nhân hai. Và trong thời gian một năm, cô hi vọng các em sẽ biết tất cả các bản cửu chương tới số 12. Chuyện đó nếu làm được, sẽ giúp các em rất nhiều. Giờ thì, có ai trong số các em tình cờ học qua bảng nhân hai rồi không nào?”
             Matilda giơ tay lên. Cô là người duy nhất trong lớp giơ tay.
            Cô Honey thận trọng nhìn cô bé nhỏ xíu có mái tóc đen, gương mặt nghiêm nghị tròn trịa, ngồi bàn thứ hai. “Tuyệt,” cô nói. “Vậy hãy đứng lên và đọc tới chỗ nào em biết đi.”
            Matilda đứng lên và bắt đầu đọc bảng cửu chương nhân hai. Khi đọc tới 2 lần 12 là 24, thì cô không dừng lại. Cô tiếp tục với 2 lần 13 là 26, 2 lần 14 là 28, 2 lần 15 là 30, 2 lần 16 là…
            “Dừng lại nào!” Cô Honey nói. Nãy giờ cô hơi mải lắng nghe cô bé đọc ro ro, song giờ thì cô bảo, “Em nhớ được tới đâu lận?”
            “Tới đâu à?” Maltida trả lời. “Ồ, em không rõ nữa, thưa Cô Honey. Em nghĩ là chắc còn lâu lắm ạ.”
            Cô Honey mất vài giây để câu nói kỳ lạ này lắng xuống. “Ý em là,” cô bảo, “em có thể nói cho cô biết 2 lần 28 là bao nhiêu à?”
            “Vâng, thưa Cô Honey.
            “Thế là bao nhiêu?”
            “Năm mươi sáu ạ, thưa Cô Honey.”
            “Vậy còn thứ khó hơn, chẳng hạn như 2 lần 487? Em có thể nói cho cô biết không?”
            “Em nghĩ là được ạ,” Matilda đáp.
            “Em chắc chứ?”
            “Chắc chứ, Cô Honey, em chắc mà.”
            “Vậy đó là bao nhiêu, 2 lần 487 ấy?”
            “Chín trăm bảy mươi bốn ạ,” Matilda đáp ngay. Cô nói bằng giọng bình thản, lịch sự, không tỏ vẻ khoe mẽ gì cả.
            Cô Honey chằm chằm nhìn Matilda, đầy kinh ngạc, nhưng rồi cô cất giọng, cố tỏ ra bình thường. “Hay quá,” cô nói. “Nhưng dĩ nhiên nhân hai dễ hơn rất nhiều so với các con số lớn hơn khác. Còn những bảng cửu chương khác? Em có biết bảng nào không?”
            “Em nghĩ em biết, thưa Cô Honey. Em nghĩ là có ạ.”
            “Bảng nào hở, Matilda? Em biết tới đâu nào?”
            “Em cũng không rõ nữa,” Matilda đáp. “Em không hiểu ý cô lắm.”
            “Ý cô là, chẳng hạn như, em có biết bảng cửu chương nhân ba không?”
            “Có, thưa Cô Honey.”
            “Còn bảng nhân bốn?”
            “Có, thưa Cô Honey.”
            “Ờ, vậy em biết bao nhiêu bảng hở Matilda? Em có biết tất cả các bảng cửu chương tới nhân 12 không?”
            “Có, thưa Cô Honey.”
            “Thế 12 lần 7 là bao nhiêu?”
            “Tám mươi tư,” Matilda đáp.
            Cô Honey ngưng lại, dựa lưng vào thành ghế phía sau chiếc bàn mộc được đặt ở chính giữa, ngay đầu lớp. Cô hơi bị choáng bởi màn trao đổi này song cẩn thận không thể hiện ra. Cô chưa từng gặp một đứa trẻ 5 tuổi, thậm chí một đứa 10 tuổi nào, có thể làm phép nhân dễ dàng thế cả.
            “Cô hi vọng tất cả các em đều lắng nghe,” cô nói với cả lớp. “Matilda là một bạn may mắn. Bạn ấy có bố mẹ thật tuyệt vời, những người đã dạy bạn ấy học nhân nhiều số. Có phải mẹ em dạy em không, Matilda?”
            “Không, thưa Cô Honey. Không phải mẹ em ạ.”
            “Vậy em phải có một ông bố tuyệt vời. Ông ấy hẳn là một thầy giáo xuất chúng.”
            “Không, thưa Cô Honey.” Matilda lặng lẽ nói. “Bố em không dạy em ạ.”
            “Ý em là em tự học à?”
            “Em không rõ nữa,” Matilda thành thật đáp. “Chỉ là em không thấy khó khăn gì khi nhân một số này với số khác ạ.”
            Cô Honey hít một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra. Cô nhìn lại cô bé nhỏ xí, có cặp mắt sáng, đang đứng cạnh bàn học của mình thật nghiêm trang và đầy vẻ hiểu biết. “Em nói là em không thấy khó khi nhân số này với số khác,” Cô Honey nói. “Em thử giải thích điều đó một chút xem sao?”
             “Vâng ạ, thực ra em không chắc lắm.” Matilda nói.
            Cô Honey chờ đợi. Cả lớp yên lặng, lắng nghe.
            “Chẳng hạn như,” Cô Honey bảo, “nếu cô bảo em nhân 14 với 19… Không, thế thì khó quá…”
            “Là 266 ạ,” Matilda nhỏ nhẹ nói.
             Cô Honey nhìn cô bé chằm chằm. Rồi cô nhặt cây bút chì lên và nhanh chóng làm phép tính ra một tờ giấy. “Em nói bao nhiêu nào?” cô hỏi, mắt nhìn lên.
            “Hai trăm sáu mươi sáu ạ,” Matilda đáp.
            Cô Honey đặt bút xuống và bỏ kính ra, lấy khăn giấy chùi chùi tròng kính. Cả lớp vẫn yên lặng, mắt nhìn cô và chờ đợi điều gì xảy ra tiếp theo. Matilda vẫn đứng cạnh bàn học của mình.
            “Giờ nói cô nghe, Matilda,” Cô Honey nói, tay vẫn chùi kính, “thử nói cô nghe xem chính xác chuyện gì xảy ra trong đầu khi em làm phép nhân như thế. Em rõ ràng phải tính toán theo cách nào đó, nhưng hình như em cho ra đáp số ngay ấy. Như phép tính em vừa làm chẳng hạn, 14 nhân 19 ấy.”
            “Em, em, đơn giản là em ghi số 14 vào đầu rồi nhân nó với 19 mà thôi,” Matilda bảo. “Em e là em chẳng biết cách giải thích nào khác. Em luôn tự nhủ là, nếu một máy tính bỏ túi nhỏ làm được thì sao em lại không làm được nhỉ?”
            “Thật sự thì sao lại không nhỉ?” Cô Honey nói. “Bộ óc con người là thứ đáng kinh ngạc mà.”
            “Em nghĩ nó tốt hơn nhiều so với một miếng kim loại.” Matilda đáp. “Đó là tất thảy về máy tính đấy ạ.”
            “Em nói đúng lắm,” Cô Honey nói. “Dù sao thì máy tính bỏ túi không được dùng ở trường này.” Cô Honey vẫn còn cảm thấy hơi run. Không còn nghi ngờ gì, tâm trí cô hiểu rõ mình đã gặp một bộ óc toán học phi thường, và những từ như thiên tài nhỏ tuổi hay thần đồng chợt vụt qua đầu cô. Cô biết thi thoảng những bậc kỳ tài kiểu này cũng xuất hiện trên thế giới, song cả trăm năm mới có một, hai lần. Rốt cục thì, Mozart bắt đầu sáng tác nhạc cho đàn dương cầm khi mới 5 tuổi và nhìn xem, chuyện gì xảy ra với ông ta.
             “Thật không công bằng,” Lavender kêu lên. “Sao bạn ấy làm được thế còn tụi em thì không?”
            “Đừng lo, Lavender, các em sẽ sớm theo kịp bạn thôi,” Cô Honey khẽ khàng nói dối.
            Tới đây Cô Honey không kiềm được lòng ham muốn khám phá thêm tâm trí của đứa trẻ đáng kinh ngạc này. Cô biết cô nên chú ý tới cả lớp song cô thấy quá hào hứng nên không muốn để chuyện này lắng xuống.
            “Rồi,” cô nói, vờ ra vẻ nói với cả lớp, “giờ bỏ qua chuyện tính toán, để xem xem có em nào học đánh vần rồi không nào. Em nào đánh vần được từ mèo thì giơ tay lên.”
            Ba cánh tay giơ lên. Đó là Lavender, một cậu nhóc tên Nigel và Matilda.
            “Đánh vần từ mèo xem, Nigel.”
            Nigel đánh vần từ đó.
            Cô Honey quyết định hỏi một câu mà bình thường, cô không mơ mình sẽ đặt ra cho lớp học này ngay ngày đầu của nó. “Cô tự hỏi,” cô nói, “liệu có ai trong số ba em biết đánh vần từ mèo biết đọc cả cụm từ khi chúng nối lại với nhau thành một câu hay không?”
            “Em biết,” Nigel đáp.
            “Em cũng biết ạ,” Lavender nói.
            Cô Honey tới bên bảng và dùng phấn viết câu sau, Tôi đã bắt đầu học cách đọc câu dài. Cô cố tình viết câu khó, vì biết rằng rất ít trẻ 5 tuổi trong lớp biết cách đọc nó.
            “Em có thể nói cho cô biết câu này nói gì không, Nigel?” cô hỏi.
            “Nó khó quá ạ,” Nigel đáp.
            “Lavender?”
            “Từ đầu tiên là Tôi ạ,” Lavender đáp.
            “Ai trong số các em đọc được cả câu này nào?” Cô Honey hỏi, chờ đợi câu trả lời “Em ạ” phát ra từ phía Matilda.
            “Em ạ,” Matilda đáp.
            “Vậy đọc đi,” Cô Honey bảo.
            Matilda đọc cả câu, không chút chần chừ.
            “Thật sự rất tốt đấy,” Cô Honey bảo, lần đầu trong đời cố dùng câu nói giảm nói tránh. “Em đọc được bao nhiêu câu dài hở, Matilda?”
            “Em nghĩ em có thể đọc được hầu hết các câu dài, thưa Cô Honey,” Matilda đáp, “dù em e không phải lúc nào mình cũng hiểu hết nghĩa của chúng.”
            Cô Honey đứng lên, khôn khéo bước ra khỏi phòng, nhưng chỉ 30 giây sau cô quay lại, tay cầm một cuốn sách dày. Cô hú họa mở ra và đặt nó lên bàn học của Matilda. “Đây là sách viết về thơ châm biếm,” cô bảo. “Hãy xem xem liệu em có thể đọc to nó lên không.”
            Thật trôi chảy, không chút ngập ngừng, Matilda bắt đầu đọc bằng một tốc độ dễ chịu:


Anh sành ăn đang ăn tối ở Crewe
Thì tìm thấy chuột chù trong món củ.
            Tay bồi bàn hét to, Đừng có hét
            Rồi giang tay quẳng nó ra thật xa,
            Kẻo không đám còn lại của nhà ta, đều sẽ muốn có một con như thế.

            Vài đứa hiểu được sự hài hước của bài thơ, bèn phá ra cười. Cô Honey bảo, “Em có biết anh sành ăn là gì không, Matilda?”
            “Là người khó tính trong ăn uống ấy ạ,” Matilda đáp.
            “Đúng thế,” Cô Honey bảo. “Mà chẳng hay em có biết thể thơ này được gọi là gì không?”
            “Là thơ ngũ cú ạ,” “Đây là một bài hay. Nghe vui lắm ạ.”
            “Đây là một bài nổi tiếng,” Cô Honey nói, nhặt cuốn sách lên và để lại bàn mình ở phía đầu lớp. “Một bài thơ ngũ cú dí dỏm rất khó viết,” cô nói thêm. “Trông thì dễ nhưng phần lớn không phải thế.”
            “Em biết,” Matilda đáp. “Em có thử vài lần nhưng bài em viết ra nghe chả hay gì cả.”
            “Em thử rồi ấy à?” Cô Honey nói, sửng sốt hơn bao giờ hết. “Ồ, Matilda, cô rất thích nghe một trong số các bài ngũ cú em bảo là đã viết ấy. Em có thể thử nhớ ra một bài và đọc cho tất cả chúng ta đây nghe không?”
            “Ờ,” Matilda lưỡng lự, “thật ra em đang thử làm một bài về cô, Cô Honey ạ, trong khi chúng ta đang ngồi ở đây.”
            “Về á!” Cô Honey kêu lên. “Ồ, chúng ta phải nghe cho được bài này rồi, phải không nào?”
            “Em không nghĩ em muốn đọc nó lên đâu, thưa Cô Honey.”
            “Hãy đọc nó đi,” Cô Honey nói. “Cô hứa là cô không thấy phiền tí nào đâu.”
            “Em nghĩ là cô sẽ thấy phiền đấy, Cô Honey, vì em dùng tên riêng của cô để gieo vần và đó là lý do tại sao em không muốn đọc nó lên.”
            “Sao em biết tên riêng của cô?” Cô Honey hỏi.
            “Em nghe một giáo viên khác gọi cô ngay trước giờ vào lớp,” Matilda đáp, “Cô ấy gọi cô là Jenny.”
            “Cô nhất định phải nghe cho được bài ngũ cú này,” Cô Honey bảo, môi nở một nụ cười hiếm hoi. “Đứng dậy và đọc đi nào.”
            Bất đắc dĩ Matilda đành đứng dậy và thật chậm rãi, thật bồn chồn, cô bé đọc bài thơ của mình lên:

            Điều chúng ta ai cũng hỏi về Jenny,
            Thật ra chả có gì nhiều nhặn lắm ri,
            Chỉ là, trong mấy cô trẻ dạy trường ni
            Có cô nào có gương mặt khả ái thế?
            Đáp lại là, nào ai sánh được Jenny.
           
            Toàn bộ gương mặt xanh xao, xinh xắn của Cô Honey bừng ửng đỏ. Nhưng rồi cô mỉm cười. Lần này là nụ cười rộng mở, nụ cười hoàn toàn thỏa mãn.
            “Ôi cảm ơn em, Matilda,” cô nói, miệng vẫn mỉm cười. “Dù không đúng, song thật sự đó là một bài ngũ cú rất hay. Ôi trời, ôi trời, cô phải cố nhớ nó mới được.”
            Từ bàn ba, Lavender bảo, “Bài thơ hay. Em thích nó.”
            “Nó cũng đúng mà,” cậu nhóc tên Rupert nói.
            “Dĩ nhiên là thế,” Nigel đáp.
            Cả lớp bắt đầu dành thiện cảm cho Cô Honey, dù tới lúc này đây hầu như cô chưa chú ý nhiều tới ai khác ngoài Matilda.
            “Ai dạy em đọc vậy, Matilda?” Cô Honey hỏi.
            “Em tự dạy em đấy ạ, thưa Cô Honey.”
            “Mà em có tự mình đọc cuốn sách nào chưa, ý cô là bất cứ cuốn nào dành cho trẻ em ấy?”
            “Em đọc tất cả sách ở thư viện công cộng trên phố High Street, thưa Cô Honey.”
            “Và em có thích chúng không?”
            “Em rất thích, thực sự rất thích, vài cuốn trong số chúng,” Matilda nói, “nhưng số còn lại em cho là hơi chán.”
            “Kể cho cô nghe về cuốn em thích nào.”
            “Em thích cuốn Sư tử, phù thủy và chiếc tủ quần áo,” Matilda đáp. “Em nghĩ Ông C. S. Lewis là nhà văn rất khá. Nhưng ông ấy có một điểm yếu. Chả có chuyện gì vui trong sách của ông ấy cả.”
            “Em nói đúng đấy,” Cô Honey bảo.
            “Sách của Ông Tolkien cũng chả có nhiều chuyện vui,” Matilda tiếp.
            “Em có nghĩ truyện trẻ con nên có nhiều chuyện vui trong đó không?” Cô Honey hỏi.
            “Em nghĩ thế,” Matilda đáp. “Trẻ con không nghiêm túc như người lớn và chúng thích cười.”
            Cô Honey sửng sốt trước sự khôn ngoan của cô bé tí teo này. Cô bảo, “Rồi em làm gì khi đọc hết sách dành cho trẻ em?”
            “Em đọc các cuốn khác,” Matilda trả lời. “Em mượn chúng từ thư viện. Bà Phelps rất tốt với em. Bà giúp em chọn chúng.”
            Cô Honey vươn người tới trước, trên chiếc bàn dạy học của mình, và thích thú nhìn chăm chắm vào đứa trẻ nọ. Cô hoàn toàn quên bẵng những đứa khác trong lớp. “Sách gì thế?” cô thì thào.
            “Em rất thích sách của Charles Dicken,” Matilda đáp. “Ông ấy làm em cười hoài. Đặc biệt với nhân vật Ông Pickwick.”
            Tới lúc này thì chuông hành lang reo vang, báo hiệu hết giờ học.

No comments:

Post a Comment